Mặc dù là ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm qua, tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là các quy định liên quan tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP...
>> Dự báo ngành dệt may sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến
Thống kê cho thấy, trong những năm qua, dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2022, ngành dệt may của Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kinh ngạc khi xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm trước. Dù gặp khó khăn hơn, tuy nhiên, kết quả tính đến hết tháng 11 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2023 ước vẫn đạt 40,3 tỷ USD.
Đáng nói, để ngành dệt may Việt Nam có thể tăng tính cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng, giá trị vốn có, cũng như tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc nội địa hóa sản phẩm cho ngành cũng từng bước được áp dụng.
Theo đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 165/QĐ-TTg 2023 phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là phải phấn đấu để xây dựng nền công nghiệp tự chủ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong toàn ngành.
Mặc dù đã tích cực trong việc áp dụng chủ trương đã nêu, song trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may còn thấp, chỉ đạt khoảng 46 - 47%.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, cùng với những tác động về đơn hàng do các bất ổn chính trị thế giới, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều ý kiến cho rằng, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước quy định cải cách hành chính không thuận lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ.
>> Kỳ vọng lớn của ngành dệt may trong năm 2024
Cụ thể, theo phản ánh của các doanh nghiệp dệt may, Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã và đang gây khó cho các doanh nghiệp trong ngành. Khiến doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ.
Chia sẻ về vấn đề đã nêu, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chính sách trên có thể khiến một đối tượng hàng hóa phải chịu nộp thuế hai lần của hai doanh nghiệp. Nhưng thực tế hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định phải được miễn thuế.
Theo ông Giang, chính sách này không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu mà gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu. Điều này khiến cho các doanh nghiệp lựa chọn hình thức gia công thay vì tìm cách nâng cao vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng, đi ngược lại chiến lược phát triển của ngành.
“Điều này tương tự như quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được bãi bỏ tại Nghị định này là nguyên phụ liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu nhưng đưa đi gia công lại thì được miễn thuế còn nguyên phụ liệu nhập để sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại không được miễn thuế”, ông Giang phân tích.
Không chỉ có vậy, mặc dù theo quy định của chính sách, khoản thuế này được hoàn lại, song thời gian hoàn thuế cho số tiền doanh nghiệp đã tạm ứng này rất lâu và khiến doanh nghiệp bị treo một khoản tiền tương đối lớn, lãng phí tài chính của các doanh nghiệp.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, chính sách thuế hiện hành sẽ khiến doanh nghiệp phải có trước tiền tạm ứng thuế rồi sau đó lại làm các thủ tục để hoàn lại. Thời gian để thực hiện các thủ tục hoàn thuế rất lâu, từ 6-8 tháng, từ đó dẫn tới việc doanh nghiệp bị ảnh hưởng dòng tiền, giảm sức cạnh tranh.
Ngoài các vướng mắc đã nêu, cộng đồng doanh nghiệp dệt may cũng bày tỏ lo ngại về việc Bộ Tài chính đề xuất sẽ bãi bỏ mục c khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xuất nhập khẩu tại chỗ: “Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam”.
Đề xuất này được cho sẽ gây ra xáo trộn rất lớn, khiến các doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Từ đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt cần gỡ khó thuế nội tại để hỗ trợ ngành dệt may.
Cụ thể, tại văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Hiệp hội đề xuất sửa đổi quy định, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.
Không bỏ điểm c khoản 1 Điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐCP và cho phép làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện bình thường với hoạt động mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài (có hiện diện hoặc không hiện diện tại Việt Nam) và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với một doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu, cần bình đẳng với quy định đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu tránh tình trạng đọng vốn của doanh nghiệp khi chờ hoàn thuế.
Có thể bạn quan tâm
Dự báo ngành dệt may sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến
04:30, 18/01/2024
Kỳ vọng lớn của ngành dệt may trong năm 2024
03:20, 07/01/2024
Gian nan vượt bão của doanh nghiệp dệt may Hải Dương
02:00, 07/01/2024
Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách thúc đẩy ngành dệt may phát triển
01:30, 15/12/2023
Giải pháp nào giúp ngành dệt may ở Nghệ An khởi sắc?
05:29, 28/11/2023