Sau 2 cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đưa ra kết luận chỉ đạo về công tác quản lý, thực hiện thủ tục đất đai, xây dựng tại các khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới.
>>Hà Nội điều chỉnh quy hoạch siêu dự án Thành phố thông minh
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã ra chỉ đạo về việc gỡ vướng và thực hiện chuyển đổi mục đích trong quy hoạch khu dân cư để tiến hành xây dựng mới. Theo kết luận, đất trong khu quy hoạch dân cư xây dựng mới được chuyển mục đích lên đất ở.
Có thể thấy, quyết định của TP.HCM không chỉ đơn thuần là câu chuyện gỡ vướng mà còn phản ánh tư duy chính sách cũng như sự quyết đoán của lãnh đạo TP trong việc giải quyết vấn đề khó khăn.
Gây “khó” cho người dân
Trong nhiều năm qua, đất trong khu quy hoạch dân cư xây dựng mới vẫn đang chờ được hướng dẫn theo luật pháp. Hiện tại, các luật hiện hành không đề cập đến khái niệm quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, là nguyên nhân khiến người dân không thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất, bởi vướng phải việc quy hoạch đất cho dân cư xây dựng mới.
Bên cạnh đó, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tách thửa, do không tuân thủ đúng các quy định của Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5-12-2017 của UBND TP HCM.
Do tình trạng vướng mắc này, vừa qua người dân tại tổ 18, ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đã đệ đơn kiến nghị UBND TP.HCM xem xét điều chỉnh quy hoạch khu vực này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉnh trang, xây nhà ở và bảo đảm các quyền lợi sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tại TP.HCM đã có gần 14.000 ha đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới với hàng nghìn hộ dân cư bị ảnh hưởng, chủ yếu tại các khu vực như Q.7, TP.Thủ Đức, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh, Q.12…
Cụ thể, gia đình chị H đã sở hữu một mảnh đất nông nghiệp gần 1.000 m2 tại H.Hóc Môn suốt gần 10 năm. Chị H đã đăng ký và được cơ quan chức năng phê duyệt mục đích sử dụng đất này theo kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp.
Năm 2021, do gia đình quyết định muốn chuyển mục đích đất này thành đất ở để xây dựng nhà ở cho gia đình. Tuy nhiên, khi chị H nộp hồ sơ xin chuyển mục đích đất, thì hồ sơ của chị đang trong quá trình chờ xem xét do vướng mắc trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới.
Chị H lý giải rằng, theo quy định của Luật Đất đai, người dân được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở nếu đáp ứng hai điều kiện là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm được duyệt. Mặc dù mảnh đất của chị đều đáp ứng cả hai điều kiện đó nhưng vẫn không được giải quyết hồ sơ.
>>Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp bất ngờ báo lãi
Một đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, bản chất của đất dân cư xây dựng mới chính là đất ở. Do đó, các cơ quan chức năng cần giải quyết quyền lợi của người dân đối với khu vực này như đất ở. Để thực hiện điều đó, công tác rà soát quy hoạch cần được thực hiện một cách thực tế và toàn diện.
Khẩn trương “gỡ vướng” cho người dân
Trong nhiều năm qua, các sở, ngành của TP.HCM đã nhận thức được những vướng mắc và bất cập từ quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, đồng thời cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn này để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Để tiếp tục giải quyết những vướng mắc đó, trong văn bản được đề cập, ông Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo các khu vực quy hoạch nhóm nhà ở trong các đồ án quy hoạch phân khu (không phân biệt chức năng quy hoạch khu dân cư hiện hữu hay khu dân cư xây dựng mới) theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, cần phải xem xét và giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất đòi hỏi phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện, nội dung và trình tự theo quy định Luật Đất đai.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương tham mưu và đề xuất hướng dẫn cụ thể đối với điều kiện và các nội dung cần thiết để chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 15-8.
Điều này sẽ tạo cơ sở thông tin cho quận, huyện, TP.Thủ Đức cùng người dân, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, thống nhất trong việc xem xét và giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trong khu dân cư xây dựng mới.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức lãnh đạo và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm soát và quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng.
Điều này nhằm đảm bảo việc phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng chủ trương, quy định pháp luật để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, tách thửa, xây dựng không đúng quy định. Việc này nhằm tránh tình trạng trục lợi và ảnh hưởng đến công tác quản lý và phát triển đô thị, đồng thời đảm bảo việc thực hiện quy hoạch được phê duyệt.
Cùng với đó, UBND TP cũng giao Sở Xây dựng rà soát, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác cấp phép xây dựng cũng như công tác quản lý sau khi cấp phép xây dựng tại các khu vực quy hoạch có chức năng đất dân cư xây dựng mới trên địa bàn thành phố. Từ đó, Thanh tra thành phố đánh giá nội dung phản ánh, khiếu nại của người dân liên quan đến các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư xây dựng mới.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp bất ngờ báo lãi
05:00, 22/07/2023
Chiến lược đi trước đón đầu của start-up Meey Land trong chuyển đổi số bất động sản
15:00, 20/07/2023
“rào chắn” mới với bất động sản: Gỡ khó cho bất động sản
14:44, 20/07/2023
TP.HCM: Chấn chỉnh hoạt động hàng chục sàn giao dịch bất động sản
05:00, 20/07/2023