Việc chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội đang là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
>>>Gỡ khó tín dụng bất động sản: Kỳ vọng vào khung pháp lý điều chỉnh
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay số tiền giải ngân gói tín dụng này mới chỉ đạt 105 tỷ đồng, tức chưa được 0,1%.
Thống đốc NHNN cho biết, nguyên nhân khiến gói tín dụng này chậm giải ngân do nguồn cung nhà ở thuộc đối tượng của gói tín dụng còn hạn chế. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến phản ánh về điều kiện được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội chưa phù hợp. Ngoài ra để đi đến quyết định vay vốn mua nhà, người dân xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Còn theo phản ánh của lãnh đạo Agribank, các doanh nghiệp không mặn mà với việc tham gia các dự án thuộc gói tín dụng này, bởi họ bị khống chế mức lợi nhuận không quá 10%, song mức giá bán và người mua nhà lại do các sở, ban ngành của tỉnh/thành phố nơi có dự án lựa chọn.
Trong khi theo chia sẻ của các doanh nghiệp, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định, các ngân hàng lại có quy định riêng về điều kiện vay nhằm đảm bảo thu hồi nợ. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của gói tín dụng này đang quá cao.
>>>Lãi suất giảm kích thích nhu cầu vay mua nhà
Nhiều chuyên gia kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Muốn vậy, phải khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. Ngoài thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian dự án đầu tư nhà ở xã hội, thì việc không được quyết định về giá khiến cho doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội.
Về phía ngân hàng cần rà soát, đơn giản hóa thủ tục để giúp các chủ đầu tư, người dân dễ dàng tiếp cận gói tín dụng này. Đặc biệt, NHNN nên xem xét đưa ra mức lãi suất hợp lý hơn. Theo một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, hiện lãi suất áp dụng đối với người mua nhà là 7,7%/năm, chủ đầu tư là 8,2%/năm. Dù đã giảm, nhưng mức lãi suất này vẫn quá cao so với lãi suất cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 cũng như chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở trước đây.
“Gói 120.000 tỷ đồng sẽ khó khả thi bởi lãi suất cho vay là quá cao so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, sau 5 năm, lãi vay sẽ được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng - đây là điều rất rủi ro đối với công nhân. Do đó, cần có hỗ trợ từ ngân sách…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông tín dụng cho bất động sản
15:08, 13/11/2023
9 tháng 2023, tín dụng bất động sản tại TP. HCM tăng trưởng ra sao?
05:40, 13/11/2023
Chất lượng tín dụng bất động sản tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý
09:34, 13/11/2023
Lâm Đồng: Thúc đẩy cho vay tín dụng bất động sản
16:58, 11/11/2023
Chất lượng dư nợ tín dụng đáng lo?
12:00, 10/11/2023