Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lâm, thủy sản có ưu đãi gì?

Diendandoanhnghiep.vn So với quy mô dự kiến ban đầu 10.000 tỷ đồng, gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp lâm, thủy sản đã được tăng quy mô lên thành 15.000 tỷ đồng.

>> Ngân hàng dự kiến giảm bớt “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối 2023

Lãi suất cho vay ưu đãi giảm 1-2% 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại (NHTM) gói tín dụng này.

Chương trình (Gói) tín dụng ưu đãi giảm 1-2% lãi suất vay cho các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản

Chương trình (gói) tín dụng ưu đãi giảm 1%-2% lãi suất vay cho các doanh nghiệp lâm, thủy sản có 12 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia. Ảnh minh họa

Đây là gói tín dụng thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao NHNN “Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến Lâm sản và Thủy sản”. Trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản đăng ký tham gia của các NHTM, văn bản 5631/NHNN-TD được NHNN ban hành ngày 14/7 đã hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản.

Theo đó, đối tượng vay vốn của gói tín dụng là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản.

Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam: Thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Thời gian triển khai đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Quy mô tín dụng của chương trình, như nêu trên, khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.

NHNN cho biết chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.  

Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

Cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, theo NHNN việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực Lâm sản, Thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước đó, tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (VIFORES), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, thuế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản.

>> NHNN: Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý

Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng phải hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân"; và giao NHNN nghiên cứu gói tín dụng quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng.

Kỳ vọng kích cầu sức mua

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,6 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Thặng dư thương mại đạt 4,63 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng hơn 26%. Thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, giảm hơn 27%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28%.

Gói tín dụng được nhận định có hỗ trợ doanh nghiệp tăng thu mua trữ nguyên liệu, kích cầu và chờ phục hồi nhu cầu nhập khẩu

Gói tín dụng được nhận định có thể hỗ trợ doanh nghiệp tăng thu mua trữ nguyên liệu, kích cầu và chờ phục hồi nhu cầu nhập khẩu

7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, gạo và hạt điều (nông sản) là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Với giá trị kim ngạch nêu trên, mục tiêu 54 tỷ USD của nông, lâm, thủy sản trong năm nay đang đòi hỏi doanh nghiệp, đặc biệt nhóm lâm, thủy sản phải vượt qua được thách thức khó khăn khi sức mua tại các thị trường chính như Hoa Kỳ hay EU suy giảm. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ và các bộ ngành triển khai. Bên cạnh kỳ vọng có thêm động lực từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành, hiện các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tập trung chế biến sâu, tiết giảm chi phí sản xuất để giữ đơn hàng và các thị trường chủ lực.

Tuy nhiên, thực tế quý I và quý II cho thấy, khó khăn của các doanh nghiệp cũng chưa thể một sớm một chiều đảo ngược. 

Khảo sát từ hoạt động doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) - cho biết, riêng tại TP HCM, ghi nhận một số ngành tăng trưởng tốt như lương thực thực phẩm, nhưng một số ngành khác vẫn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp có doanh thu giảm chiếm 51%, số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm chiếm 62%, trong khi đó sản phẩm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%.

Theo Chủ tịch HUBA, điều này cho thấy tình hình là hầu hết doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận và khả năng phát triển trong các quý tiếp theo là khá khó khăn. Thậm chí có tới 30% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quý tiếp theo sẽ còn tiếp tục giảm. Do đó, khả năng số lượng doanh nghiệp tiếp tục rút lui khỏi thị trường sẽ còn gia tăng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách.

Đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, cụ thể ở đây là ngành thủy sản, bên cạnh khó khăn đầu ra, lãi suất vay cao cộng với các loại phí cũng là vấn đề làm điều kiện kinh doanh càng khó khăn hơn. Theo lãnh đạo VASEP, các doanh nghiệp thủy sản đang phải chịu lãi suất vay vốn bằng USD quá cao. Bên cạnh đó hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Ngoài lãi suất cao, doanh nghiệp còn phải chịu các khoản phí của ngân hàng...

Đây lại cũng là vấn đề của các doanh nghiệp ngành xuất khẩu khác, đặc biệt nhóm nhập khẩu nguyên liệu có tỷ trọng lớn như ngành gỗ (lâm sản). 

Ngoài ra, gỗ cũng là một trong những ngành đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế VAT vì thời gian hoàn thuế kéo quá dài. Ước tính sơ bộ nợ đọng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp gỗ lên tới 6,1 nghìn tỷ đồng - theo VIFORES; qua đó càng khiến các doanh nghiệp chưa được hoàn thuế "bí" vốn. 

Nhận định về chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 15.000 tỷ đồng vừa được công bố, một chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất USD tại Mỹ đang được điều chỉnh lên mức cao kỷ lục theo các đợt tăng lãi suất quỹ liên bang của Fed, thì lãi suất vay USD tại Việt Nam rất khó để có thể hạ thấp như kỳ vọng các các doanh nghiệp có nhu cầu vay.

"Nếu các NHTM hạ lãi suất vay 1%-2% và cấp hạn mức nới thêm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đây sẽ là hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản - vốn phải dành chi phí lớn để vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho - "dễ thở" hơn. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để tăng thu mua nguyên liệu, vừa giúp chính doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu trong các quý tiếp theo, vừa giúp nông dân yên tâm tiếp tục nuôi trồng giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu phục hồi sức mua.

Một tín hiệu đáng mừng là hiện ở các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn như Mỹ, hàng tồn kho đã sụt xuống báo hiệu nhu cầu nhập mới có thể sớm tăng trở lại", chuyên gia nói.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lâm, thủy sản có ưu đãi gì? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714327521 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714327521 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10