Xoay quanh câu chuyện giảm thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, các chuyên gia cho rằng, mức giảm vừa được Bộ Tài chính đề xuất sẽ không mang nhiều ý nghĩa, nhất là khi chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường…
>> “Trăn trở” với xăng dầu!
Chiều 21/6, Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ. Tại kỳ điều hành này, nhà điều hành quyết định tiếp tục tăng giá các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, xăng E5 tăng 190 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng/lít; xăng A95 tăng 500 đồng lên 32.870 đồng/lít. Cùng với xăng, dầu cũng tăng giá, dầu diesel tăng 990 đồng lên 30.010 đồng/lít; dầu hỏa tăng 950 đồng lên 28.780 đồng/lít; dầu mazut tăng 380 đồng/kg lên 20.730 đồng/kg.
Tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 13 chu kỳ điều hành tăng giá. Hiện, giá xăng, dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm.
Để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Trong đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Cụ thể, với mặt hàng xăng, giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ giải quyết bài toán giá xăng, dầu theo kiểu tình thế, nguy cơ tăng giá của nhiều mặt hàng sẽ là sức ép lớn, đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
>> Doanh nghiệp vận tải “lao đao” trước bão giá xăng, dầu
Thực tế, cảnh báo này không phải là không có cơ sở và tại cuộc họp về điều hành giá với một số mặt hàng thiết yếu mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã nhận định, nguy cơ lạm phát tăng cao là hiện hữu, trong đó sức ép của giá xăng dầu có thể tác động tới giá cả một số dịch vụ, hàng hóa khác.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, đây là vấn đề rất quan trọng, cần hết sức thận trọng vì để lạm phát kỳ vọng tăng cao sẽ khó kiểm soát.
Theo các chuyên gia, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 5 tháng đầu năm tăng 2,25%, cơ sở để kiểm soát CPI với mục tiêu 4% vẫn còn dư địa. Nhưng nguy cơ lớn hơn, đó là lạm phát kỳ vọng, khi giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến các hàng hóa khác tăng theo và trên thực tế, ngay khi xăng tăng giá, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, từ bó rau đến con cá... cũng có mặt bằng giá mới.
Trước thực trạng đã nêu, công cụ thuế tiếp tục được tính đến, và nếu lần đề xuất giảm 50% mức thuế BVMT còn lại được thông qua, trong cơ cấu tính giá xăng dầu hoàn toàn không còn sắc thuế này.
Trong khi, mỗi lít xăng dầu được bán ra phải chịu 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng (chiếm 10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế bảo vệ môi trường (được tính theo mức cố định). Ngoài ra, là các khoản chi phí định mức, lợi nhuận định mức... cộng lại đã chiếm hơn nửa giá bán, tại sao nhà điều hành lại chỉ chọn giảm thuế BVMT mà không phải là một sắc thuế khác?
Các chuyên gia cho rằng, không phủ nhận việc giảm thuế BVMT trước đó, đã giúp giá xăng, dầu trong nước giảm nhiệt, tăng thấp hơn giá thế giới. Nhưng lần giảm đầu tiên cho thấy mức này vẫn “không thấm vào đâu” và chỉ mang tính thời điểm. Trong khi giá xăng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh với diễn biến khó lường như hiện nay, liệu việc chỉ sử dụng công cụ thuế để giải quyết vấn đề mang tính tình thế, có phải là giải pháp căn cơ?
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong bối cảnh giá xăng, dầu đã liên tục thiết lập mức kỷ lục, việc giảm thuế BVMT ở mức như đề xuất sẽ không có nhiều tác dụng, chưa đủ làm giải tỏa cơn khát để góp phần “hạ nhiệt” giá xăng, dầu trong thời gian tới.
“Bởi ngoài thuế BVMT, trong cơ cấu tính thuế xăng dầu hiện nay còn có thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... vốn đã chiếm tới 13.000 - 15.000 đồng/lít. Do đó, nếu tính toán giảm một phần các sắc thuế trên, khoảng 4.500 - 5.000 đồng/lít, sẽ có tác dụng nhiều hơn để giảm sức “nóng” giá xăng, dầu, cũng như “hạ nhiệt” giá cả và đủ sức kìm lạm phát trong thời gian tới”, ông Việt chia sẻ.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, thuế BVMT đã phát huy vai trò và ý nghĩa trong thời gian qua. Việc sử dụng sắc thuế này làm công cụ để kiểm soát và bình ổn giá xăng dầu, sẽ không phù hợp và đủ tính thuyết phục. Bởi, nếu cứ tiếp tục giảm thuế BVMT sẽ đặt ra câu hỏi vậy các khoản chi cho môi trường sẽ làm thế nào, có đảm bảo được hay không?
Từ đó, các chuyên gia đề xuất, bài toán kiểm soát giá xăng, dầu cần được tính toán, đánh giá đầy đủ để dự báo được xu hướng giá xăng, dầu nhằm có một lộ trình, giải pháp kiểm soát, điều hành giá mang tính bền vững hơn.
Phải thừa nhận rằng, cân đối thu ngân sách, đảm bảo mục tiêu của chính sách tài khóa rất quan trọng, nhưng sức khỏe người dân, doanh nghiệp cũng rất quan trọng, bởi đây là nền tảng để tạo ra nguồn thu bền vững. Vì thế, ứng phó với việc tăng giá xăng, dầu nếu chưa thể hiện được tinh thần giảm thuế để “khoan sức dân”, người dân, doanh nghiệp cũng như nhà quản lý có thể vẫn phải hụt hơi chạy theo giá xăng, dầu trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
“Trăn trở” với xăng dầu!
05:00, 16/06/2022
Vì sao nên nghiên cứu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?
05:30, 15/06/2022
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
00:06, 13/06/2022
Nên chấp nhận quy luật thị trường với giá xăng dầu
02:38, 09/06/2022
Còn nhiều dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng dầu
04:00, 06/06/2022