Xung quanh câu chuyện “hạ nhiệt” giá xăng dầu, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ trông vào giảm thuế bảo vệ môi trường là chưa đủ, bởi đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời…
>>Khoá van tăng giá xăng dầu như thế nào?
Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan, mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, trong Nghị quyết đã xây dựng, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít và đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Như vậy, thay vì chỉ giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu như phương án ban đầu đề ra, Bộ Tài chính đã nâng mức giảm thuế bảo vệ môi trường. Theo tính toán, với mức giải như đã đưa ra, tính từ thời điểm Nghị quyết trên có hiệu lực thi hành (đầu tháng 4 đến hết năm 2022), ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 23.954 tỷ đồng (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng).
Trước thực trạng đã nêu, thông tin với báo chí chuyên gia kinh tế - PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế trước việc giá dầu tăng phi mã trong thời gian vừa qua. Việc giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít sau phiên điều chỉnh chiều 11/3 thì việc giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường sẽ không mang nhiều ý nghĩa.
>>Xăng dầu sẽ “nóng” tại phiên chất vấn
Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, câu chuyện giá xăng ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát, phục hồi nền kinh tế, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đề cập đến. Theo tôi, nên tôn trọng quy luật của thị trường, bởi lẽ giá xăng dầu tăng là do những nguyên nhân khách quan, như tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, phương Tây và lạm phát toàn cầu.
Trước đó, bày tỏ sự trăn trở về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng từng cho biết, công thức giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã được kết cấu theo giá thế giới, giá dầu thế giới tăng sẽ làm giá xăng, dầu trong nước tăng theo. Diễn biến giá dầu thế giới tác động mạnh đến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước là điều khó tránh khỏi. Việc giảm thuế đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu (khoảng 23.954 tỷ đồng), từ đó tác động không nhỏ đến những chính sách phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19.
Xoay quanh câu chuyện giảm thuế bảo vệ môi trường để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, thông tin với báo chí, TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cũng nhận định, thuế không phải là con số tuyệt đối mà là con số tỷ lệ gắn liền với giá xăng dầu. Do đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến thì số lượng thuế thu được từ mặt hàng này cũng tăng đột biến theo, ví dụ năm nay kế hoạch thu thuế từ xăng dầu là 5.000 tỷ nhưng vì giá xăng dầu tăng đột biến nên thuế thu được từ nguồn này cũng tăng lên 7 - 8000 tỷ.
“Ở khía cạnh khác, khi loại hàng hóa nào tăng một cách bất thường không do lỗi chủ quan mà do khách quan thì Chính phủ phải nhanh chóng tìm cách giảm về mức hợp lý để tránh khó khăn cho nền kinh tế”, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, cần giảm các nguồn thu khác có tính tỷ lệ. Bởi khi giá xăng dầu tăng mà vẫn tính theo tỷ lệ thì kéo theo tăng nguồn thu, sự tăng đó là không hợp lý.
“Tất cả những khoản tăng vượt hơn số kế hoạch ngân sách của năm nay do giá xăng dầu thế giới tăng đột biến thì cần được điều chỉnh giảm hết bởi vì khi gắn vào giá xăng dầu gián tiếp làm nền kinh tế gặp khó khăn thì cần chấp nhận có sự hi sinh”, vị chuyên gia kinh tế phân tích.
TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, công thức tính giá xăng sẽ có công thức thông thường trong giai đoạn ổn định và công thức trong giai đoạn biến động. Rõ ràng, giá xăng dầu lúc này đang trong giai đoạn biến động, nên nhiều người cũng mong muốn điều chỉnh giá trong 5 ngày để phù hợp với đà lên xuống của thế giới, ngoài ra còn có tác dụng hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi.
Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi giá xăng giữa 5 ngày và 10 ngày thì chênh lệch không quá cao. Điều cần quan tâm hiện nay đó là cơ quan quản lý cần nắm chắc được số lượng hàng tồn kho tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước trước mỗi lần điều chỉnh giá, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực.
“10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần mà làm việc nghiêm túc, thông tin rõ ràng, công khai minh bạch thì cũng không cần thiết phải điều chỉnh trong 5 ngày làm việc”, TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.
Chiều 11/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay, hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Doanh nghiệp chuyển đổi số trong thanh toán xăng dầu
10:57, 12/03/2022
Cần thiết sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu
00:06, 12/03/2022
Khoá van tăng giá xăng dầu như thế nào?
18:44, 11/03/2022
Xăng dầu sẽ “nóng” tại phiên chất vấn
02:30, 11/03/2022
Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu
19:03, 10/03/2022