Ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp may tỉnh Hải Dương đã có tín hiệu khởi sắc về đơn hàng. Tuy nhiên, vấn đề nguồn lao động lại đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp này.
>>>Hải Dương: Chú trọng tiêm vaccine cho người lao động trong các doanh nghiệp
>>>Hải Dương: Nhiều dư địa thu hút đầu tư FDI
Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, ngành sản xuất hàng may mặc đang có tốc độ tăng trưởng cao. Trong 10 tháng đầu năm 2021, nhóm ngành này tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tỉnh riêng trong tháng 10/2021, ngành may mặc tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Sở dĩ có sự tăng trưởng như vậy do thị trường xuất khẩu đang phục hồi. Ngoài ra, trong quý 3/2021, dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đã làm sản xuất đình trệ, nhiều đơn hàng được chuyển ra khu vực miền Bắc để sản xuất, trong đó có Hải Dương.
Do kiểm soát tốt dịch COVID-19, thời điểm này, các doanh nghiệp may mặc tại Hải Dương đang tăng tốc, gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký kết để kịp giao hàng vào cuối năm và chuẩn bị cho các đơn hàng vào năm tiếp theo.
Theo ông Đinh Trịnh Dũng - Tổng Giám đốc công ty CP May II Hải Dương cho biết, từ tháng 7 đến nay, lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đã tăng từ 25 - 30% sau nhiều tháng bị cắt giảm đơn hàng do dịch COVID-19. Hiện doanh nghiệp đang tăng cường sản xuất để đáp ứng kịp các đơn hàng cho dịp cuối năm. Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng đã ký đủ các đơn hàng để người lao động sản xuất đến tháng 5/2022.
>>>Hải Dương: Nan giải bài toán doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
>>>Hải Dương tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu
Còn theo ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi, công ty đã 2 lần phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 vào tháng 2 và tháng 5 năm 2021. Hiện công ty đã hoạt động bình thường trở lại. Tính đến hết tháng 10/2021, công ty đã đạt 80% kế hoạch sản xuất cả năm. Với tình hình hoạt động như vậy, kế hoạch sản xuất đã đề ra trong năm 2021 của công ty chắc chắn sẽ đạt được.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Ngành này sẽ phải đối diện với nguy cơ cao nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.
Tại Hải Dương, đến hết tháng 10/2021, tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn dự ước bằng 101,3% so với tháng trước, bằng 101,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là dệt bằng 109,8%; sản xuất trang phục bằng 103,4%... Dù nhu cầu sử dụng lao động cao, phía các doanh nghiệp may cũng đang dần phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch và đưa ra nhiều ưu đãi trong tuyển dụng nhưng số lượng lao động ứng tuyển cũng còn khá ít.
Đơn cử như tại Công ty TNHH May Tinh Lợi. Hiện phía doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy thứ ba tại cụm công nghiệp Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2022. Để phục vụ cho nhà máy này, phía doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 10.000 lao động gồm 5.000 công nhân may, 3.500 công nhân các vị trí khác và khoảng 1.500 nhân viên văn phòng, cán bộ quản lý. Tuy nhiên, theo đại diện công ty, việc tuyển dụng hiện rất khó khăn.
Theo ông Duy Đức Tuấn - Giám đốc công ty TNHH NamLee International cho biết, mặc dù những vướng mắc trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đã được tháo gỡ nhưng công ty lại đang thiếu từ 400 - 500 lao động. Doanh nghiệp đã đăng thông báo tuyển dụng kèm theo nhiều ưu đãi nhưng số lao động nộp hồ sơ còn ít.
Phục hồi sản xuất trở lại sau dịch COVID-19 thế nào luôn là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp, đặc biệt với khối dệt may khi hoạt động sản xuất phụ thuộc vào hàng trăm nghìn lao động. Chỉ khi có đủ lực lượng lao động thì doanh nghiệp mới vận hành hết công suất các dây chuyền sản xuất, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, phía các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng rất mong muốn được hỗ trợ, kết nối để có thể tuyển dụng được lao động.
Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần cải thiện tình hình lao động việc làm, tỉnh Hải Dương đã kiến nghị Trung ương xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và Trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại. Cùng với đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung – cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động.
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương đã đưa ra những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để vừa thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Huyện Thanh Hà (Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới
20:00, 22/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040
18:32, 20/11/2021
Hải Dương: Nan giải bài toán doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
10:56, 17/11/2021
Hải Dương: Phát triển sản phẩm du lịch “đặc thù”
00:23, 17/11/2021
Hải Dương: Nhiều dư địa thu hút đầu tư FDI
00:45, 16/11/2021