Tỉnh Hải Dương hiện có 8 dự án nhà máy sản xuất gạch tuynel tại các bãi sông ngoài đê đã được chấp thuận đầu tư, nhưng đến nay còn 6 dự án chưa được cấp phép hoạt động xây dựng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, trong số 8 dự án nhà máy sản xuất gạch tuynel tại các bãi sông ngoài đê đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư hiện còn 6 dự án chưa được cấp phép hoạt động xây dựng ngoài bãi sông. Nguyên nhân được xác định do gặp khó khăn liên quan đến các quy định pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão và Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Theo đó, việc xây dựng dự án phải tuân theo các quy hoạch, trong đó có quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương hiện đang triển khai việc lập quy hoạch tỉnh và chưa hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian vừa qua, tỉnh Hải Dương đã xóa bỏ thành công các lò gạch thủ công, một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Sau khi lò gạch thủ công bị xóa sổ, nhiều chủ lò đã xin chuyển đổi sang sản xuất gạch tuynel. UBND các huyện, thành phố, thị xã đã thẩm định đề xuất UBND tỉnh chấp thuận cho một số chủ lò chuyển đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Minh Trường Sơn, năm 2016, công ty đã dừng hoạt động lò sản xuất gạch thủ công và thanh lý máy móc với giá rẻ để chuyển sang đầu tư xây dựng dự án gạch tuynel theo chủ trương, chỉ đạo của tỉnh. Sau khi chuyển đổi, phía công ty kỳ vọng vào dự án sản xuất gạch tuynel để khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm qua do chưa được cấp phép xây dựng nên dự án vẫn chưa được triển khai.
Được biết, dự án nhà máy sản xuất gạch tuynel Minh Trường Sơn được UBND tỉnh Hải Dương quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 16/4/2018 với công suất 20 triệu viên/ năm. Địa điểm thực hiện dự án ở bãi ngoài, đê tả sông Lạch Tray thuộc xã Đại Đức. Phía công ty đã hoàn thiện thủ tục về đất đai, ký hợp đồng thuê đất từ năm 2018. Đến tháng 6/2020 được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo tiến độ được phê duyệt, dự án phải hoàn thiện và đi vào hoạt động trong thời gian 24 tháng, kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư, nhưng đến nay do chưa được cấp phép xây dựng ngoài bãi sông nên dự án chưa được thực hiện.
Tương tự dự án nhà máy sản xuất gạch tuynel Minh Trường Sơn, dự án nhà máy sản xuất gạch lò xoay tuynel Thăng Long của công ty TNHH gạch tuynel Thăng Long (thị xã Kinh Môn) được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1/2018 với công suất 20 triệu viên/năm, tại bãi ngoài đê tả sông Kinh Môn thuộc địa bàn xã Thăng Long. Thời gian hoạt động của dự án là 20 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư. Về chủ trương đầu tư dự án nhà máy gạch lò xoay tuynel Thăng Long, trước đó vào cuối năm 2017, tỉnh Hải Dương đã giao cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tiến hành hoàn thiện các thủ tục để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án tại khu bãi ngoài đê sông Thái Bình trên địa bàn xã Thăng Long. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù đã hết thời hạn đưa dự án vào hoạt động nhưng dự án này vẫn chưa xây dựng do vướng mắc thủ tục.
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án gạch tuynel, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện xem xét, thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều trên cơ sở phương án quy hoạch tỉnh mà tỉnh Hải Dương đang tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Còn theo đại diện chi cục Quản lý đê điều - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, trong quá trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án gạch tuynel ngoài bãi sông, đơn vị đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo ý kiến trả lời của Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các dự án lò gạch tuynel ngoài bãi sông phải phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, UBND tỉnh cấp phép xây dựng. Đồng thời, phải phù hợp quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.
- Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh hải dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ có 57 nhà máy gạch tuynel. Trong đó, bổ sung quy hoạch 19 dự án đề xuất chuyển đổi công nghệ từ sản xuất gạch thủ công sang gạch tuynel (đã được UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư) gồm: huyện Thanh Hà 4 dự án; huyện Tứ Kỳ 1 dự án; huyện Ninh Giang 1 dự án, huyện Cẩm Giàng 3 dự án, huyện Kinh Môn 2 dự án, huyện Kim Thành 1 dự án, huyện Nam Sách 3 dự án, thị xã Chí Linh 4 dự án; công suất mỗi dự án 20 triệu viên/năm, thời gian thực hiện dự án 20 năm. -Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, khi sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà ở và các dự án phục vụ kinh doanh dịch vụ khác phải lập dự án đầu tư cụ thể, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của Điều 26 Luật Đê điều. |
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Đề nghị điều chỉnh mở rộng một khu công nghiệp
08:51, 30/10/2021
Hải Dương: Sắp có 2 nút giao vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
01:01, 29/10/2021
Hải Dương dự án “Phủ xanh nha đam đất Việt” liệu có khả thi?
06:19, 26/10/2021
Hải Dương: Điều chỉnh, hỗ trợ để thu hút đầu tư
17:44, 24/10/2021
Hải Dương: Tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
20:26, 14/10/2021