Hải Dương sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Aeon hợp tác lâu dài trong tiêu thụ vải thiều và mong muốn Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
>>>Hải Dương: Phát huy lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn
>>>Hải Dương chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp FDI
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương liên quan đến việc thu mua, tiêu thụ vải thiều và một số nông sản chủ lực của Hải Dương của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Aeon trong thời gian tới.
Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội
Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh vải thiều là đặc sản nức tiếng thì Hải Dương còn có nhiều nông sản tiêu biểu như gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi, cà rốt, su hào, cải bắp, su lơ, dưa hấu, dưa lê, ổi, na, củ đậu, thanh long… Với những lợi thế đó, những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã đến nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hải Dương.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Hải Dương với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), ông Shiotani Yuichiro - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu 23,1 tấn vải tươi sang thị trường Nhật Bản. Phía đơn vị có kế hoạch tiếp tục xuất khẩu 25,7 tấn vải tươi của Hải Dương sang thị trường này trong năm 2023.
Cũng theo ông Shiotani Yuichiro, quả vải của Hải Dương có chất lượng tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Nhật Bản và bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng của Aeon tại Việt Nam. Vì vậy, phía doanh nghiệp mong muốn xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác để phân phối, xuất khẩu, tiêu thụ quả vải Hải Dương lâu dài. Không chỉ vải tươi, công ty còn có dự định phát triển các sản phẩm cấp đông, chế biến nhằm tiêu thụ quanh năm, khắc phục hạn chế về tính mùa vụ.
Trước đó, tại buổi tham quan, khảo sát vùng vải thiều tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà của đại diện Tập đoàn Aeon qua sự kết nối của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, ông Koji Tanihara - Đại diện doanh nghiệp của Nhật Bản cho biết, trước mắt đoàn sẽ khảo sát, thông qua Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ để đưa vải thiều Thanh Hà vào hệ thống Trung tâm Thương mại Aeon Việt Nam (toàn quốc). Đồng thời phối hợp các đơn vị truyền thông quảng bá tới người dân Nhật Bản về hình ảnh, quy trình sản xuất vải thiều bởi đây là đặc sản được thị trường Nhật Bản ưa chuộng nhiều năm trở lại đây.
>>>Doanh nghiệp FDI tại Hải Dương “than” thiếu lao động
Theo ông Trần Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương đánh giá cao năng lực quảng bá, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Aeon. Các doanh nghiệp luôn chủ động, tích cực phối hợp với nhiều địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu. Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân, chính quyền sẽ tạo ra chuỗi liên kết thống nhất, bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Tạo mọi điều kiện để tìm đầu ra cho nông sản
Theo ông Trần Văn Quân, Hải Dương cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Aeon tìm hiểu, nghiên cứu đi tới thống nhất, hợp tác lâu dài trong việc thu mua, xuất khẩu vải thiều.
Cũng theo ông Quân, bên cạnh quả vải, Hải Dương còn nhiều nông sản chủ lực có thể đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ, xuất khẩu của doanh nghiệp như lúa gạo, cà rốt, nhãn, chuối, hành, tỏi… Vì vậy, Hải Dương cũng đề nghị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Aeon quan tâm tới những mặt hàng này, phối hợp với tỉnh để tiêu thụ, nhất là khi tập đoàn đang chuẩn bị triển khai xây dựng trung tâm thương mại tại Hải Dương. Đồng thời mong muốn doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, bảo quản nông sản. Trong quá trình liên kết, phối hợp tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều và nông sản chủ lực của Hải Dương nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi để tháo gỡ kịp thời.
Thực tế, những năm gần đây, tỉnh Hải Dương luôn chú trọng nâng cao chất lượng nông sản bằng cách xây dựng quy trình sản xuất nghiêm ngặt, khắt khe, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Để nâng cao giá trị của những nông sản đặc sản, chủ lực, Hải Dương đã tập trung phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh ở các địa phương, như vùng vải thiều ở Thanh Hà, Chí Linh; ổi ở Thanh Hà, Ninh Giang; vùng su hào, cải bắp, su lơ ở Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành... Cùng với đó là đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng được áp dụng theo quy trình GAP, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn OCOP.
Đến nay, Hải Dương đã có 265 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 1.735 ha, chủ yếu ở TP Chí Linh và huyện Thanh Hà. Trong đó, 199 mã vùng trồng vải và 27 mã vùng trồng nhãn, còn lại là các loại cây trồng khác. Các mã số vùng trồng được cấp chủ yếu xuất sang thị trường các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Thái Lan…
Riêng đối với thị trường Nhật Bản, Hải Dương hiện có có 55 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với tổng diện tích 622 ha. Trong đó có 42 mã vùng trồng vải có diện tích 492 ha, sản lượng trên 3.300 tấn, 13 mã vùng trồng cà rốt có quy mô 130 ha, sản lượng 7.800 tấn. Tỉnh cũng hiện có 2 cơ sở đóng gói bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản.
Đặc biệt, nhằm tìm đầu ra cho các nông sản đặc sản, chủ lực, Hải Dương đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tổ chức và tham gia các hội chợ trong, ngoài nước; đưa các đoàn đi khảo sát, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, nhờ có sự chủ động xúc tiến tiêu thụ nên ngay từ đầu tháng 5/2023, đã có nhiều doanh nghiệp liên hệ với huyện để tìm hiểu, đặt hàng vải thiều, trong đó có hơn chục công ty lần đầu liên hệ. Phía địa phương hy vọng vải thiều Thanh Hà tiếp tục được tiêu thụ rộng hơn ở thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm