Nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hải Dương phản ánh, họ thường xuyên đăng thông báo tuyển dụng lao động nhưng việc tuyển dụng tương đối khó khăn.
>>>Kết nối cung cầu, tìm kiếm việc làm cho lao động mất việc
>>>Hoàn thiện hệ thống dự báo thông tin thị trường lao động
Theo thống kê, hiện Hải Dương có gần 300.000 công nhân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, với số lượng công nhân, lao động như vậy không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp lớn của tỉnh đã thu hút cả công nhân ở các tỉnh ngoài. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải lên tận các tỉnh miền núi để tuyển dụng nhưng tình hình cũng không khá khẩm là bao.
Ông Kurihara – Giám đốc Công ty Sumidenso Việt Nam (KCN Đại An) cho biết, nguồn nhân lực trong tỉnh Hải Dương có giới hạn, doanh nghiệp đã đi nhiều tỉnh thành phố lân cận để tuyển dụng nhưng cũng luôn ở tình trạng thiếu lao động. Đặc biệt là lao động có tay nghề cao, có chuyên môn ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên môn ngoại ngữ, về kỹ thuật tự động hoá…
Công ty cũng đăng tuyển trên trang Fanpage của công ty với mức “thưởng” hấp dẫn từ 2-5 triệu đồng cho lao động mới. Cùng với đó là các yêu cầu hấp dẫn như lao động không yêu cầu kinh nghiệm, tốt nghiệp từ THCS trở lên, các chế độ nổi bật hiện đang áp dụng cho người lao động khi vào làm việc như thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người, học việc 2-3 tháng hưởng 100% lương và phụ cấp sau đó ký hợp đồng lao động lâu dài... Nhưng việc tuyển dụng cũng rất khó khăn – ông Kurihara chia sẻ.Bên cạnh đó là tình trạng nhảy việc. Nhiều người lao động vừa được đào tạo, vừa biết việc tại công ty này lại nhảy sang công ty khác khiến doanh nghiệp luôn trong tình trạng khan hiếm lao động và liên tục phải đào tạo.
>>>Thái Nguyên đáp ứng tốt thị trường lao động
>>>Nâng cao năng suất lao động bằng xây dựng văn hoá doanh nghiệp
Theo khảo sát, tại một số doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động như: Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (KCN Phúc Điền); Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (KCN Đại An); Công ty May Tinh Lợi (KCN Lai Vu)… từ đầu năm đến nay số lao động nhảy việc khá lớn. Có doanh nghiệp nhảy việc lên tới 1.000 người/tháng. Tình trạng "nhảy việc" chủ yếu xuất hiện ở lao động trẻ, chưa có gia đình, lao động xa quê… Nguyên nhân chủ yếu do công việc không phù hợp, doanh nghiệp ít tăng ca nên người lao động muốn tìm nơi làm việc khác tăng ca nhiều hơn để thêm thu nhập.
Ông Kurihara còn cho biết, hệ thống nhà ở xã hội cho người lao động trên địa bàn Hải Dương chưa được phát triển để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động cho người thu nhập thấp và lao động tỉnh xa.
Hệ thống xe Bus liên huyện, liên tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu về tần suất xe chạy, làm việc 3 ca của người lao động. Điều này dẫn đến nhiều người lao động phải đi làm bằng phương tiện cá nhân dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro về tai nạn giao thông đặc biệt là khi đi làm vào ban đêm. Theo thống kê ở công ty chúng tôi, riêng năm 2022 đã xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông đối với cán bộ công nhân viên, trong đó có tới 25 vụ bị tai nạn giao thông trên đường đi làm.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có nhiều doanh nghiệp may mặc lớn, là ngành sử dụng rất nhiều lao động. Điều đó cũng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp về tuyển dụng công nhân và chi phí nhân công. Đối với Công ty TNHH May TBT (xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương) hiện có 2 nhà máy đang hoạt động, doanh nghiệp đang sử dụng 500 lao động địa phương. Tuy lĩnh vực may mặc là dễ đào tạo nhưng doanh nghiệp cũng đang thiếu về số lượng lao động. Khiến doanh nghiệp phải loay hoay và buộc phải hướng tới giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến để giảm lao động.
Theo chị Nguyễn Thị Xuân - Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Shints BVT (TP.Hải Dương), hiện công ty đang tạo việc làm cho gần 3.000 lao động với mức lương trung bình từ 7-8 triệu đồng/người. Để đáp ứng đơn hàng năm, mặc dù liên tục đăng tin tuyển dụng lao động trên các trang mạng, song, số lượng lao động đến nộp hồ sơ khá ít. Để bảo đảm kế hoạch đề ra, doanh nghiệp phải tổ chức, sắp xếp lại nhân lực cho phù hợp, đồng thời động viên người lao động làm thêm giờ.
Còn tại Công ty TNHH Vietory (địa chỉ tại Hiệp An, thị xã Kinh Môn, doanh nghiệp chuyên sản xuất giày xuất khẩu), từ nhiều tháng nay, doanh nghiệp liên tục đăng tuyển lao động, từ lao động phổ thông đến lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Theo đại diện công ty, mặc dù tuyển dụng như vậy nhưng số lượng lao động vẫn chưa đáp ứng do lượng biến động lao động tại doanh nghiệp cao.
Ông Bùi Thanh Tùng - Giám đốc Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, doanh nghiệp nào có khó khăn về tuyển dụng lao động chỉ cần thông báo tới Sở, chúng tôi sẽ đồng hành, đến các địa phương khác tuyển dụng đủ lao động cho doanh nghiệp.
Mặt khác, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng cho rằng, doanh nghiệp cũng cần có chế độ chính sách đãi ngộ để giữ chân được người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Thiếu hụt lao động công nghiệp 4.0
02:27, 31/10/2021
“Có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động khi nền kinh tế phục hồi”
09:18, 22/10/2021
Dòng người hồi hương và hệ quả thiếu hụt lao động
05:00, 12/10/2021
Giải bài toán thiếu hụt lao động tại TP HCM
04:27, 11/10/2021
Phục hồi kinh tế - Cần ưu tiên giải bài toán thiếu hụt lao động
04:50, 08/10/2021