Với việc triển khai các KCN mới, Hải Dương đang có trên 800 ha đất sạch để đón các nhà đầu tư. Tỉnh Hải Dương rất mong các nhà đầu tư FDI sẽ hợp tác với doanh nghiệp khác về đầu tư tại đây.
>>>Hải Dương: Đề nghị điều chỉnh mở rộng một khu công nghiệp
>>>Hải Dương: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19
Đây là chia sẻ của ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương khi nói về kế hoạch thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI trên địa bàn trong thời gian tới.
Hải Dương hiện có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 2.567ha. Trong đó có 11 KCN hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và đang hoạt động với tổng diện tích là 1.732ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đạt 82% trên tổng diện tích đất công nghiệp đã được bàn giao.
Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu “kéo” kinh tế tỉnh tăng trưởng. Một con số chứng minh là 10 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương dự ước bằng 111,6% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 107,6%. Chỉ tính trong tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng 100,8%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 100,7% so với tháng trước.
Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương chia sẻ, bài học chúng tôi rút ra trong thời gian qua là khu vực chế biến, chế tạo giữ vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Vì vậy, chúng ta phải đi theo hướng đó. Hải Dương đang quyết liệt tiến hành GPMB 4 KCN với tổng diện tích khoảng 760ha. Với việc triển khai các KCN mới, tỉnh Hải Dương đang có trên 800 ha đất sạch. Đây là nguồn lực rất lớn để đón các nhà đầu tư. Vì vậy, tỉnh Hải Dương rất mong các nhà đầu tư FDI sẽ hợp tác với các doanh nghiệp khác để về đầu tư tại địa phương.
>>>Hải Dương: Chú trọng tiêm vaccine cho người lao động trong các doanh nghiệp
>>>Tứ Kỳ (Hải Dương): Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Thực tế, dù 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 bùng phát và tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, song Hải Dương vẫn là địa chỉ “đỏ” của các doanh nghiệp FDI đến từ các nước như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kong để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cùng với làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đến Việt Nam, một số nhà đầu tư lớn nước ngoài như: Foxcom, PoweSolar..., tập đoàn FLC, SunGroup, TH, T&T… đã và đang nghiên cứu đầu tư vào Hải Dương với ý tưởng đầu tư lớn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, những năm gần đây, nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh đều tăng. Nhìn lại giai đoạn 1987-1990, Hải Dương chỉ mới có 2 dự án FDI, với tổng số vốn 6,9 triệu USD. Giai đoạn 1991-1996 là 16 dự án, với lượng vốn đầu tư thu hút đạt 448 triệu USD. Đến giai đoạn 2016 – 2020, con số này đã tăng lên 212 dự án FDI mới. Và ở thời điểm hiện tại, tỉnh Hải Dương có 491 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 9,1 tỷ USD; trong đó, vốn đầu thực hiện ước đạt trên 6,8 tỷ USD, bằng 74,5% tổng vốn đăng ký.
Các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng đã nhanh chóng triển khai, đưa dự án vào hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 400 dự án FDI đang sản xuất, kinh doanh; trong đó, có gần 200 lượt dự án FDI tăng vốn để mở rộng sản xuất. Các dự án tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 81% gồm: sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, sản xuất hàng may mặc, nông sản xuất khẩu, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô các loại.
Ông Kim Sungsoo - Tổng giám đốc công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam cho biết, công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam là doanh nghiệp sử dụng 100% vốn từ tập đoàn Hyundai Kefico Hàn Quốc. Với 12 năm hoạt động tại Việt Nam, phía doanh nghiệp có thể khẳng định luôn tin tưởng và có tầm nhìn lạc quan vào Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng. Doanh nghiệp đã có 3 lần tăng vốn tại đây và trong thời gian tới, để mở rộng quy mô sản xuất, phía tập đoàn sẽ nghiên cứu để tăng vốn lên 390 triệu USD. Hiện doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục quảng bá về môi trường đầu tư tại Hải Dương với các đối tác, bạn bè quốc tế.
Dù nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh Hải Dương tăng qua các năm, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, việc thu hút dự án FDI trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, hạn chế như chưa có nhiều dự án lớn; hoạt động thu hút các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ chưa được như kỳ vọng; nhiều dự án có quy mô vừa và nhỏ, chất lượng chưa cao; sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế... Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số doanh nghiệp FDI cũng gặp khó trong vấn đề tuyển lao động, phục vụ cho sản xuất.
Ông Kim Sungsoo cho biết: “Là một doanh nghiệp công nghệ cao, chúng tôi mong muốn tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục giữ vững những chính sách hỗ trợ hiện tại và đưa ra những chính sách đặc biệt – khác biệt hơn nữa để thu hút nguồn đầu tư có chất lượng cao”.
Còn theo ông Kimura Tadashi – Tổng giám đốc công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình đầu tư trong tỉnh có vẻ giảm thiểu đi một chút. Trong nửa đầu năm, tình hình tuyển dụng lao động của doanh nghiệp có vẻ không vấn đề gì lắm, nhưng giai đoạn từ tháng 10/2021 trở đi thì việc tuyển dụng của chúng tôi trở nên khó khăn rất nhiều.
Mới đây, tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 340 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp. Và việc mở rộng dư địa để thu hút đầu tư FDI được coi là đòn bẩy để Hải Dương đạt được mục tiêu mà đề án đã đưa ra.
Theo ông Phạm Xuân Thăng, khát vọng Hải Dương là trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025. Và thu hút đầu tư FDI đóng vai trò tiên quyết. Vì vậy, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp cùng đồng hành với chiến lược xanh và chuyển đổi số của tỉnh Hải Dương. "Hải Dương xác định cách tiếp cận mới trong thu hút FDI theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng. Chúng ta cần tiếp nhận một cách có điều kiện, tiếp nhận với điều kiện hạ tầng tốt. Nên xây dựng hạ tầng KCN sinh thái tạo ra chuỗi giá trị để doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn”, ông Thăng nhấn mạnh.
Theo định hướng phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương sẽ phát triển các KCN với tổng quy mô diện tích khoảng gần 10.200ha; trong đó diện tích đất phát triển các khu công nghiệp có trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Hải Dương khoảng 5.720 ha… |
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu
19:35, 10/11/2021
Hải Phòng, Hải Dương triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi
00:00, 09/11/2021
Hải Dương: Tạo bước đột phá cho chương trình OCOP
09:10, 07/11/2021
Hải Dương, Xuân Trường đầu tư khu du lịch 10.000 tỷ đồng
13:54, 06/11/2021
Hải Dương: Thu hồi các dự án đất không thực hiện đúng tiến độ
08:14, 06/11/2021