Thời gian tới đây, VCCI sẽ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thường niên. 63 tỉnh/thành vẫn đang quyết liệt trên “đường đua” để có thứ hạng xứng đáng nhất.
>>> Thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Hải Dương những ngày đầu năm
Nhìn thẳng từ… PCI
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương đạt 65,22 điểm, đứng thứ 32 trong cả nước, giảm 19 bậc so với năm 2021. So với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, xếp hạng của tỉnh đứng thứ 9/11, giảm 4 bậc.
Rõ ràng, thứ hạng này không phải là mong muốn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương trong bối cảnh tỉnh này đang quyết liệt thu hút đầu tư, kiến tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc này cho thấy các doanh nghiệp được lựa chọn đánh giá PCI vẫn chưa hài lòng về một số hoạt động của chính quyền các cấp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đánh giá, trong tổng số 10 chỉ số thành phần PCI, Hải Dương chỉ có 1 chỉ số tăng điểm (Gia nhập thị trường), còn lại 9 chỉ số giảm điểm so với năm 2021 (cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; đào tạo lao động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự và tiếp cận đất đai).
Cũng theo Sở này, hiện vẫn còn một số “điểm nghẽn” trong thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư các dự án, nhất là các bất cập do quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng. Từ những bất cập đó kéo theo thời gian thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án; cấp giấy phép đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị kéo dài thêm, dẫn tới doanh nghiệp không hài lòng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – Triệu Thế Hùng, việc PCI của Hải Dương “rơi” khỏi Top 20 đặt ra một yêu cầu cho bộ máy chính quyền tỉnh là phải nhìn thẳng trong việc tiếp tục điều tra, nghiên cứu, tìm ra những lĩnh vực nào, khâu nào còn những yếu kém, hạn chế nhất để sửa chữa, khắc phục. Đặc biệt, tỉnh cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để phá vỡ những “lực cản” vô hình về thủ tục hành chính, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự trong sạch, thông thoáng, xây dựng lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người - đội ngũ những người thừa hành công vụ hàng ngày. Bởi vì, có một thực tế, tình trạng “trên thoáng dưới chưa thông” hoặc “trên bảo dưới không nghe” vẫn còn diễn ra ở nơi này nơi nọ. Nếu trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn những “con sâu”, có thái độ quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, nhà đầu tư theo kiểu ở trên “trải thảm” còn ở dưới “rải đinh” thì chắc chắn khó mà cải thiện được chỉ số PCI.
Cần làm gì để quay lại “đường đua”?
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng, Hải Dương luôn xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: “Tiếp tục cải thiện, tạo sức hấp dẫn mới về môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển,…”. Trên cơ sở đó, các đề án, kế hoạch đã được ban hành triển khai.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08 ngày 19/8/2021 về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Quyết tâm của lãnh đạo đã trở thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Phải khẳng định rằng, qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 08, tuy Chỉ số PCI chưa đạt kỳ vọng nhưng đã có sự cải thiện mạnh mẽ.
>>> Doanh nghiệp Hải Dương nỗ lực bứt phá ngay từ những ngày đầu xuân
>>> Hải Dương tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về vốn, thương hiệu
Minh chứng là, điểm số chung và thứ hạng PCI của tỉnh năm 2022 tuy có giảm sâu so với năm 2021 nhưng vẫn tăng mạnh so với các năm 2018, 2019, 2020. Do vậy, về tổng thể, kết quả PCI năm 2022 cũng không quá thấp. Theo cách tiếp cận thông thường, nếu trong các năm 2020, năm 2021 và năm 2022 tăng đều thì điểm số và thứ hạng năm 2022 là rất khả quan.
“Đây cũng chính là “cơ hội vàng” để các cấp chính quyền tỉnh có thêm các nhìn nhận, tiếp cận mới trong việc “soi lại mình”, từ đó có những thay đổi trong tư duy điều hành kinh tế và tư duy phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp”, ông Hùng nhìn nhận.
Dù chỉ là kênh tham khảo, nhưng các nhà đầu tư khi đến với tỉnh đều quan tâm đến Chỉ số PCI. Do đó, chính quyền 63 tỉnh/thành luôn đặt mục tiêu cao nhất để cải thiện và nâng cao thứ hạng lên vị trí xứng đáng với những nỗ lực, quyết tâm của mình, từ đó kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp.
Sau mỗi lần PCI được công bố, tỉnh Hải Dương luôn tổ chức hội nghị để “mổ xẻ”, phân tích nguyên nhân và tổ chức xây dựng kế hoạch cải thiện; phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng chỉ tiêu cụ thể.
Với tinh thần và sự quyết tâm cao trong cuộc đua PCI, lãnh đạo tỉnh Hải Dương luôn lắng nghe, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác quản lý, điều hành kinh tế địa phương. Do đó, Hải Dương xác định nhu cầu và không gian cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn rất lớn và quá trình cải cách là một hành trình, cần liên tục mạnh mẽ, bền bỉ bước tiếp để leo lên những nấc thang thành công mới.
Để tiếp tục nâng điểm các chỉ số thành phần đã tăng điểm cần lưu ý, dù cải cách hành chính có bước tiến song cần đẩy mạnh ở một số lĩnh vực nhiều doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà như: lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội hoặc trong việc cấp phép kinh doanh có điều kiện và một số loại giấy tờ cần thiết khác để doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Hải Dương quyết tâm xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ công quyền thấm nhuần tinh thần phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. UBND tỉnh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực thi công vụ vì lợi ích chung và khát vọng vươn lên của tỉnh.
PCI là cuộc đua trường kỳ, cần có sức bền, cách làm bài bản và nỗ lực vượt lên chính mình. Hải Dương đã có sự chuẩn bị tích cực nhất, ưu đãi về thủ tục hỗ trợ đầu tư, về nhân lực… để sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới dự kiến sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới.
Năm 2023, Hải Dương ghi nhận tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vượt bậc, đạt 1,136 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm trước. Đây là kết quả thu hút vốn FDI cao nhất trong 10 năm trở lại đây và cũng là lần thứ hai trong 35 năm thu hút FDI của tỉnh vượt ngưỡng 1 tỷ USD. |
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương cần đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở xã hội
03:00, 23/02/2024
Hải Dương: Được hỗ trợ 1.000 tỷ đồng xây dựng nút giao liên thông với QL5
01:11, 19/02/2024
Hải Dương: Đề xuất thành lập khu kinh tế chuyên biệt
06:36, 16/02/2024
Hải Dương: Tập trung quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử
03:48, 10/02/2024
Hải Dương: Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước
00:58, 25/01/2024