TP Hải Phòng cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, KKT mới theo mô hình KCN sinh thái, KCN xanh. Trong đó, cần quy hoạch hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo.
>>>"Cú hích" cho ngành công nghiệp Hải Phòng
>>>Hải Phòng: Xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp phụ trợ và FDI
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập BQL KKT Hải Phòng mới đây.
Vị trí quan trọng
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, một cực tăng trưởng trong tam giác Kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), đầu mối hội tụ đủ 5 loại hình giao thông đồng bộ và hiện đại, TP Hải Phòng có vị trí ưu việt để phát triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực so với các địa phương khác trong các nước và vùng Đồng bằng Sông Hồng. Mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước, nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Sau 30 năm hình thành và phát triển các KCN, KKT, đến nay, 14 KCN đã được thành lập tại Hải Phòng được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích trên 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 61%; 1 KKT Đình Vũ – Cát Hải đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến nay, các KCN và KKT của TP Hải Phòng đã thu hút được hơn 500 dự án FDI với số vốn đăng ký 25 tỷ USD và 214 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 14 tỷ USD; KKT Đình Vũ – Cát Hải đứng đầu cả nước về thu hút FDI; suất đầu tư trung bình hơn 11 triệu USD/ha; tạo việc làm trực tiếp cho hơn 192.000 lao động.
Hiện quy mô đầu tư, chất lượng dự án FDI trong KCN, KKT cao hơn nhiều so với dự án ngoài KCN, KKT. Các nhà đầu tư đang hình thành xu hướng chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường, cơ bản hình thành được các hệ sinh thái đối với một số lĩnh vực như điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo; giảm dần các dự án thâm dụng lao động.
Ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng cho biết: “TP Hải Phòng hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. 9 tháng năm 2023, TP Hải Phòng dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút FDI. Sự phát triển KKT, các KCN đã góp phần từng bước xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định vị trí động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước".
Ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Từ những khởi đầu khó khăn, đến nay BQL KKT Hải Phòng đã phát triển thành một tổ chức năng động, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khu vực. Việc ký kết dự án đầu tư sinh thái công nghệ cao SK Ecovance của Hàn Quốc vào ngày 22/9 vừa qua đã khẳng định vị thế của Hải Phòng là địa điểm đầu tư đắc địa cho thế hệ công nghiệp bền vững mới. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo của Trung ương, sự hợp tác, phối hợp của chính quyền địa phương, sự cam kết, đổi mới của HEZA cũng như sự ủng hộ, tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng, Hải Phòng sẽ tiếp tục là thành phố hàng đầu về thu hút FDI và phát triển bền vững ở Việt Nam”.
Cần mạnh dạn tiên phong đổi mới
Thực tế, các KCN, KKT tại Hải Phòng thời gian qua đã trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là động lực phát triển vùng Bắc Bộ, cơ bản hoàn thành trách nhiệm đặt nền móng đầu tiên cho cho việc thu hút FDI, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, đô thị hóa. Đặc biệt, đã dần hình thành các khu đô thị công nghiệp hướng biển; trung tâm công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hệ thống cảng biển, logictisc tầm cỡ quốc tế.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là động lực phát triển của vùng, việc phát triển KCN, KKT tại TP Hải Phòng trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới. Hiện nay, TP Hải Phòng đang xây dựng Đề án phát triển KKT Nam Hải Phòng, với hạt nhân là khu thương mại tự do để khai thác thế mạnh của kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là hướng đi mới, mạnh dạn, có tầm nhìn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng phối hợp để nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
“Các KCN, KKT tại TP Hải Phòng cần lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai; thu hút đầu tư có chọn lọc; phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành và đảm bảo bền vững về môi trường… BQL KKT Hải Phòng cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, KKT mới; tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh. Trong đó, cần quy hoạch hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Dũng nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Tiến Châu, để thúc đẩy việc phát triển các việc phát triển các KCN, KKT của TP Hải Phòng, thời gian tới, BQL KKT Hải Phòng cần củng cố phát huy vai trò là đầu tàu, động lực chủ yếu trong dẫn dắt, định hướng phát triển của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện tại; phối hợp với các sở ngành có liên quan nỗ lực hơn nữa trong thực hiện chiến lược trọng tâm của TP Hải Phòng đó là thành lập KKT Nam Hải Phòng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu; từng bước xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp của địa phương. Đề xuất các cơ chế chính sách để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư được hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật…
“BQL KKT Hải Phòng cần phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI trong việc đào tạo, phát triển nhân lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động tay nghề cao phù hợp với cách mạng 4.0. Tập trung xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các KCN”, ông Châu cho biết.
Được biết, TP Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được KKT Nam Hải Phòng để mở rộng không gian phát triển; hoàn thành từ 10-12 bến thuộc Cảng quốc tế Lạch Huyện; xây dựng Khu phi thuế quan Xuân Cầu trở thành khu phi thuế quan lớn hàng đầu Việt Nam và tạo nên sản phẩm độc đáo trong khu vực Đông Nam Á, các KCN mới là điểm tựa mới cho phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Tập trung xây dựng mới các KCN theo các mô hình KCN chuyên ngành như sản xuất chất bán dẫn, chíp, cơ khí chế tạo, điện điện tử, các dự án sử dụng năng lượng tái tạo…gắn với chuyển đổi số, xây dựng mô hình KCN sinh thái, bền vững với môi trường gắn với kinh tế tuần hoàn trong KCN. Đầu tư, xây dựng các thiết chế công đoàn, trong đó chủ trọng xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…”.
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng. Chỉ sau một năm, 1994, KCN Nomura - Hải Phòng, KCN đầu tiên của Hải Phòng và là một trong những KCN đầu tiên của cả nước được thành lập. Tiếp theo đó là KCN Đình Vũ (nay là Tổ hợp KCN DEEP C), KCN Đồ Sơn, rồi lần lượt hình thành các KCN Tràng Duệ, KCN An Dương, KCN Nam Cầu Kiền, KCN VSIP... Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hải Phòng thành lập KKT Đình Vũ - Cát Hải, một trong những động lực phát triển cho TP Hải Phòng. |
Có thể bạn quan tâm