Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là một dự án quan trọng với 23 bến cảng hàng hóa và 1 bến hành khách.
Theo UBND TP. Hải Phòng, chủ trương xây dựng các bến cảng tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đã được Chính phủ đồng ý giao UBND TP. Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện công tác đầu tư xây dựng và kinh doanh, khai thác, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Hải Phòng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương khu vực phía Bắc.
UBND TP. Hải Phòng cũng đã chủ động liên hệ, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có năng lực, có kinh nghiệm để nghiên cứu đầu tư các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và hạ tầng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Hiện tại, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã hoàn thành 2 bến cảng khởi động (bến số 1 và bến số 2), đưa vào hoạt động từ ngày 13/5/2018 do Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và đối tác Molnykit Nhật Bản. Đây là hai bến container với chiều dài 375m/bến, tiếp nhận cỡ tàu 50.000 DWT, 6.000 TEU.
Hai bến số 3 và số 4 tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương giao cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đầu tư xây dựng do thực hiện di dời Cảng Hoàng Diệu phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ và cầu Nguyễn Trãi và phát triển đô thị Hải Phòng theo quy hoạch. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo về kết quả thẩm định Dự án đầu tư 2 bến container số 3, số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng trình Thủ tướng Chính phủ.
Và theo trao đổi giữa ông Nguyễn Hùng Việt – Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp thì hiện Cảng Hải Phòng đã rất nóng lòng được thực hiện đầu tư xây dựng các bến mới tại Cảng Lạch Huyện. Đặc biệt, nguồn vốn đã được chủ động thu xếp sẵn sàng từ vài năm qua.
Còn lại, các bến từ số 5 đến số 23 đang trong giai đoạn kêu gọi, thu hút đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hải Phòng đã chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành trung ương kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư quản lý khai thác cảng biển tham gia nghiên cứu đầu tư các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, trong đó có Tập đoàn Vingroup và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Được biết, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 về Quy hoạch phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 về Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1) giai đoạn đến 2020, định hướng đế năm 2030 và Quyết định số 2973/QĐ-BGTVT ngày 5/8/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng quy hoạch 23 bến cảng hàng hóa và 1 bến hành khách.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/8 vừa qua, Thủ tướng đã lưu ý không thể để chậm trễ việc này. Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và đầu tư các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng phải bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cảng nước sâu Lạch Huyện là điều kiện thu hút thế giới đầu tư vào Hải Phòng. Đây không chỉ là cảng của Hải Phòng mà cho cả khu vực miền Bắc. Phải quan tâm đến phát huy nguồn lực trong nước trong đầu tư vào đây, cũng như cần triển khai nhanh hơn, tránh tình trạng quá tải, đã có chủ trương mà chưa triển khai. Việc xây dựng cảng cần quan tâm đến cả giao thông đối ngoại, kết nối cảng. Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, cùng thành phố Hải Phòng rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm
14:01, 21/08/2018
08:50, 23/08/2018
07:09, 24/08/2018
05:05, 28/08/2018
06:00, 25/08/2018
Về mô hình ban quản lý cảng, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Bộ Giao thông - Vận tải, UBND thành phố Hải Phòng nghiên cứu, vận dụng tốt nhất luật pháp (Luật Hàng hải) với tinh thần là không phát sinh bộ máy mới, biên chế mới, kết hợp được các chức năng, nhiệm vụ phù hợp để phát huy hiệu quả của cảng.