Hải Phòng đề xuất quy hoạch mở rộng cảng Lạch huyện tăng diện tích về phía tây để trở thành cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, mang tầm cỡ quốc tế.
Trong quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng thông qua, Hải Phòng sẽ mở rộng quy hoạch khu bến Lạch huyện về phía tây, tăng diện tích từ 600 ha với chiều dài cảng 10 km theo quy hoạch kỳ trước lên thành 2.000 ha với chiều dài cảng 55 km, công suất dự báo đạt khoảng 100 triệu TEU.
Được biết, hiện tại, bến số 1 và số 2 cảng Lạch huyện do Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Hải Phòng (HICT) đầu tư đã đi vào hoạt động (5/2018). Hai bến có tổng chiều dài 750m, tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải 160.000 DWT. Trước đó, tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương dự án đầu tư hai bến cảng container số 3 và số 4 thuộc Cảng Lạch huyện do Công ty CP Cảng Hải Phòng là chủ đầu tư. Hiện, bến số 3 và bến số 4 cảng Lạch huyện Công ty CP Cảng Hải Phòng đã ký hợp đồng tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chính thức khởi động dự án xây dựng hai bến tiếp theo cảng Lạch huyện. Theo phương án thiết kế được phê duyệt, dự án gồm 2 bến container số 3, 4 có tổng chiều dài 750m, khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100.000 DWT; Xây dựng 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chứa 100 - 160 Teus, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1,1 triệu Teus/năm. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.946 tỷ đồng. Dự án sẽ được khởi công xây dựng từ năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025. Trong đó, bến số 3 dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2022.
Theo BQL khu kinh tế Hải Phòng (Heza): Heza đã gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến cảng Lạch huyện thuộc cảng biển Hải Phòng do tập đoàn HATECO làm chủ đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch huyện do tập đoàn HATECO đề xuất có mục tiêu xây dựng: 02 bến cập tàu với tổng chiều dài tuyến mép bến là 750m (375m/bến), có thể tiếp nhận cỡ tàu từ 100.000 DWT (~8.000 TEUS) đến 160.000 DWT (~14.000 TEUS); 01 bến sà lan với chiều dài tuyến mép bến là 150m có thể tiếp nhận sà làn 48 Teus và sà lan tổng hợp 400 DWT. Hệ thống kho bãi gồm 1,5 ha khu dịch vụ; 17,8 ha khu bãi hàng container; 5,5 ha khu bãi hàng tổng hợp; 4,6 ha kho và bãi trước kho; 2,4 ha khu silo hàng; Các công trình bảo vệ cảng.
Tính đến nay, cảng Lạch Huyện là một trong những cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, là cảng trọng điểm lớn nhất miền Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở từ 6.000 - 8.000 Teus và tàu tổng hợp tải trọng 50.000 - 100.000 DWT, giúp hàng hóa XNK của Việt Nam đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc... Cùng với những điểm mới trong quy hoạch, cụm cảng lớn nhất miền Bắc này cũng đang đối diện nhiều thách thức, cần sớm tìm giải pháp để nâng cao năng lực khai thác cảng.
Cảng Lạch huyện đang dần trở thành cửa ngõ của lĩnh vực điện tử, tự động và cơ khí chính xác. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã xây dựng nhà máy điện thoại di động tại khu vực này. Khu công nghiệp Deep C gần cảng Lạch Huyện thu hút khoảng 80% công ty Việt Nam và quốc tế. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Mỹ và Châu Âu hiện đi qua Singapore hoặc Hong Kong. Mitsui O.S.K. Lines, công ty vận tải biển Nhật Bản, dự kiến mở tuyến hàng hải trực tiếp từ Lạch huyện tới Bắc Mỹ. Nhiều công ty đã bố trí cơ sở quanh cảng Lạch huyện, Vingroup đã xây nhà máy ôtô tại khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải cách đó không xa. Sự trỗi dậy của thành phố cảng có thể tác động đến ngành công nghiệp logistics trên bộ ở Đông Nam Á. Hệ thống cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, Hải Phòng – Quảng Ninh đã tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của Bắc Bộ, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc tới Khu Công nghiệp Đình Vũ (Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải) và cảng quốc tế tại đây. Có thể khẳng định, Cảng Lạch huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cảng tổng hợp đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Về lâu dài, cảng Lạch huyện sẽ thu hút một phần lớn hàng trung chuyển quốc tế và khu vực.
Có thể bạn quan tâm