Hải Phòng: Kiên quyết giải toả các hộ dân nuôi ngao không phép

Diendandoanhnghiep.vn TP Hải Phòng sẽ cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với các hộ dân nuôi ngao trái phép không chịu di dời tại khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thuỵ.

>>Kiến Thụy (Hải Phòng): Ngư dân “khó sống” với quy hoạch vùng nuôi ngao

Đó là chỉ đạo của ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng liên quan đến việc tổ chức di dời, giải toả hoạt động nuôi ngao không phép tại khu vực biển trên địa bàn quận Hải An và huyện Kiến Thuỵ.

Tự phát…

Thông tin từ UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có gần 120 hộ dân lấn chiếm hơn 2.200 ha để nuôi ngao ở vùng biển thuộc Quận Hải An và huyện Kiến Thụy. Các hộ dân nuôi ngao trên khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy là tự phát, ban đầu các hộ nuôi ngao với quy mô, diện tích nhỏ.

Sau đó các hộ dân đã tự mở rộng diện tích nuôi, lấn ra phía ngoài biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được UBND TP Hải Phòng giao, cho thuê để thực hiện khai thác khoáng sản cát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hải Phòng hiện có gần 120 hộ dân lấn chiếm hơn 2.200 ha để nuôi ngao ở vùng biển thuộc Quận Hải An và huyện Kiến Thụy

Hải Phòng hiện có gần 120 hộ dân lấn chiếm hơn 2.200 ha để nuôi ngao ở vùng biển thuộc Quận Hải An và huyện Kiến Thụy

Ông Dương Đình Ổn – Chủ tịch UBND quận Hải An, TP Hải Phòng cho biết: “Đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn quận, trước đây đó là một ngư trường khai thác truyền thống của các hộ dân vùng ven biển của quận Hải An là phường Đông Hải 2 và Tràng Cát. Sau đó, có điều kiện, người dân có thể nuôi ngao để thay đổi nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản; do đó người dân tự quây vùng, quây bãi để nuôi ngao. Việc cấp phép của chính quyền địa phương cấp huyện, xã trước đây và cấp quận ngày nay, tại quận Hải An chưa cấp một giấy phép nào cho hộ nuôi trồng thuỷ sản trên vùng biển thuộc địa bàn. Quận Hải An chỉ cấp đăng ký đánh bắt thuỷ, hải sản theo năm một và từ năm 2013 đến nay, quận không cấp nữa”.

Còn theo đại diện UBND huyện Kiến Thuỵ, năm 2011, địa phương đã chỉ đạo xã Đại Hợp rà soát các hộ nuôi ngao trên địa bàn. Tại thời điểm đó, tại khu vực biển Kiến Thuỵ có 32 hộ nuôi với tổng diện tích 147,4ha. Cũng tại thời điểm này, huyện Kiến Thuỵ đã có thông báo số 282/TB-UBND ngày 16/12/2011 chỉ cho phép các hộ nuôi thí điểm trên diện tích cũ đến hết vụ nuôi và nghiêm cấm cắm thêm lưới và thả thêm giống. Đến năm 2017, huyện Kiến Thuỵ đã có yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả ngao. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện các chỉ đạo của TP Hải Phòng, huyện Kiến Thuỵ đã tiến hành rà soát các hộ nuôi ngao, công khai sơ đồ hiện trạng, thông tin các khu vực nuôi ngao, mời các hộ nuôi ngao đến đối thoại, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động nuôi ngao…

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng thị sát kiểm tra công tác chuẩn bị cưỡng chế tại khu vực nuôi trồng thủy sản trái phép tại quận Hải An thời điểm tháng 4/2022

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng thị sát kiểm tra công tác chuẩn bị cưỡng chế tại khu vực nuôi trồng thủy sản trái phép tại quận Hải An thời điểm tháng 4/2022

Được biết, theo rà soát, TP Hải Phòng hiện có 28 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An với diện tích 726,36ha; 89 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn huyện Kiến Thụy với diện tích 2.557,5ha. Các hộ nuôi ngao tại 2 khu vực trên không chỉ là người dân thường trú trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy mà gồm nhiều hộ dân thường trú tại các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…

“Qua rà soát của các địa phương cho thấy, tất cả các hộ nuôi ngao trên khu vực biển không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không nộp bất cứ khoản thuế, phí gì cho địa phương nơi có biển. Do đó, các hộ dân này đã vi phạm các quy định về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển”, đại diện UBND TP Hải Phòng cho biết.

Kiên quyết xử lý

Việc các hộ dân đã tiến hành nuôi ngao tự phát tại khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thuỵ đã vi phạm các quy định pháp luật về nông nghiệp. Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biển do TP Hải Phòng quản lý, tháng 9/2021, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản số 6761 yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay đã gần 12 tháng, các hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời.

>>Hải Phòng: Người nuôi ngao mất trắng hàng tỷ đồng

Trước tình trạng này, TP Hải Phòng đã chỉ đạo UBND quận Hải An và huyện Kiến Thụy thiết lập các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm.

Đến nay, tại quận Hải An đã cưỡng chế di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi trong vi phạm 161ha tại KCN DeepC 2A; đã có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời; còn lại 13/28 hộ dân, TP Hải Phòng đang chỉ đạo UBND quận Hải An thực hiện cưỡng chế.

Theo ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, trong thời gian dài, chính quyền một số địa phương có sự buông lỏng quản lý. Do đó, TP Hải Phòng phải siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia, thành phố và sinh kế của người dân, tạo điều kiện phát triển bền vững.

“TP Hải Phòng sẽ tập trung xử lý các hộ nuôi ngao trái phép ở quận Hải An và huyện Kiến Thụy; giao các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu các chính sách, tiêu chí đưa các hộ nuôi ngao chấp hành nghiêm quy định về khu nuôi trồng mới sau khi được quy hoạch. Với trường hợp cố tình, không tự di dời, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật”, ông Quân nhấn mạnh.

tại quận Hải An đã cưỡng chế di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi trong vi phạm 161ha tại KCN DeepC 2A; đã có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời

Tại quận Hải An đã cưỡng chế di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi trong vi phạm 161ha tại KCN DeepC 2A; đã có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời

Được biết, để giải quyết nhu cầu tiếp tục nuôi ngao của các hộ dân, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất khu vực cho phép hoạt động nuôi ngao trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xin ý kiến các Bộ, ngành về vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển để nuôi nhuyễn thể tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng giai đoạn 2022-2030 (khu vực biển huyện Tiên Lãng, với diện tích khoảng 3.000 ha). Sau khi các Bộ có ý kiến và vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển để nuôi nhuyễn thể được phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan xem xét, thực hiện việc giao, cho thuê đất và khu vực biển để nuôi ngao theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã trực tiếp kiểm tra tại thực địa, tổ chức nhiều buổi đối thoại, làm việc với các hộ dân nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nuôi ngao không phép; thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra là buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi thủy sản vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc trả lại phần diện tích đất sử dụng không phù hợp…

 

 

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Kiên quyết giải toả các hộ dân nuôi ngao không phép tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714439571 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714439571 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10