Theo Bộ Xây dựng, hiện nay giá trị tồn kho bất động sản đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, chủ yếu thuộc phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng.
>>Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trong Q2/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù xuất hiện một số tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, nhưng vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do đối mặt với các khó khăn liên quan đến quy định pháp lý, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động về nguyên vật liệu. Ngoài ra, các dự án còn gặp vấn đề về hạn chế vốn tín dụng từ ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, dự kiến lượng tồn kho sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỉ trọng chính của tồn kho tập trung chủ yếu trong phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án, cùng với căn hộ nghỉ dưỡng từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng.
Dựa trên số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các địa phương (hiện có 17/63 tỉnh), trong quý 2, lượng tồn kho bất động sản ước tính là khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền). Chi tiết theo từng loại bất động sản: chung cư (1.714 căn); nhà ở riêng lẻ (7.477 căn); đất nền (7.501 nền). Từ dữ liệu trên, có thể thấy rằng tỷ trọng lớn nhất của tồn kho nằm ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi bối cảnh thị trường vẫn ảm đạm, ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà nên niềm tin đối với thị trường bất động sản chưa được phục hồi.
Các chuyên gia cho rằng, những điểm nghẽn của thị trường bất động sản chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý.
TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, nếu vấn đề pháp lý không được giải quyết thì dòng vốn cũng sẽ bị ách tắc. Do đó, cần thực hiện cải cách mạnh mẽ về thể chế, từ đó sẽ tạo động lực thúc đẩy cho thị trường.
Ngoài ra, theo khảo sát từ Batdongsan.com.vn, tình hình hiện nay cho thấy người mua bất động sản có xu hướng muốn giữ tiền và chờ đợi giá bất động sản có thể giảm thêm hay không. Một số khác còn duy trì tâm lý tiêu cực đối với thị trường bất động sản.
Các số liệu từ Batdongsan.com.vn cung cấp cho thấy rằng, trong nửa đầu năm 2023, lượng người tìm mua bất động sản trên toàn quốc đã giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, số lượng tin đăng bán bất động sản cũng đã giảm đến 44%. Đáng chú ý, lượng quan tâm đối với việc tìm mua đất nền cũng đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.
>>Bất động sản Khu công nghiệp: Những thách thức dần xuất hiện
Đánh giá về thị trường bất động sản, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phản ảnh những khó khăn, thách thức mà họ đang đối diện trong hoạt động kinh doanh. Những doanh nghiệp này đã phải thay đổi phương án kinh doanh và quản lý.
Trong số đó, phần lớn các doanh nghiệp đã phải thực hiện việc tái cơ cấu nợ, điều chỉnh hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, thực hiện tối đa hóa việc tinh giản bộ máy và giảm lực lượng lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thị trường bất động sản "tan băng" cần có dòng tiền lưu thông trong thị trường. Đồng thời, cần thay đổi mặt bằng giá để đáp ứng một mức giảm đủ để người mua có sự tin tưởng và sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, nếu các chủ đầu tư đều muốn duy trì giá cao và đợi cơ hội thì thị trường sẽ khó phục hồi.
Nhằm thúc đẩy thị trường, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đề xuất việc áp dụng mức lãi suất cho vay nhà ở thương mại dựa trên thu nhập với kiến nghị dưới 7%/năm; dưới 6%/năm cho nhà ở xã hội (doanh nghiệp) và dưới 4,5%/năm cho người mua nhà; dưới 9%/năm cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; từ 9 - 10%/năm cho bất động sản nhà ở cao cấp.
Cùng với đó, để thúc đẩy dòng vốn, VNREA đề xuất khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp chào bán, giao dịch trái phiếu theo quy định pháp luật. Đồng thời, họ kiến nghị giãn nợ cho doanh nghiệp đối với các khoản nợ đến kỳ hạn trả nợ và điều chỉnh kịp thời định mức, đơn giá xây dựng để phản ánh biến động giá nguyên vật liệu.
Có thể bạn quan tâm