Trước thực trạng còn tồn tại nhiều hạn chế, theo chuyên gia, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật để phát triển ngành công nghiệp dược nội địa.
>> Viettel Post và Lê Bảo Minh hợp tác công bố giải pháp Logistics trọn gói cho ngành dược
Theo đó, trong công tác nâng cao chất lượng cuộc sống và chăm sóc sức khỏe, các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, thực tế ảo, blockchain và robot học đã được áp dụng rộng rãi, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh.
Với xu hướng đó, trong Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến 2023 và tầm nhìn đến năm 2045 đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN.
Theo Chiến lược, Việt Nam phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 - cấp độ cao nhất, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc. Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước...
Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam đang có thuận lợi lớn. Hiện tại, GDP của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chi tiêu cho sức khỏe của người Việt ngày càng cao, bởi thế, doanh nghiệp ngành dược có tiềm năng lớn để phát triển. Nếu như trước đây mỗi năm một người Việt chỉ dành chưa đến 5 USD để mua thuốc thì hiện nay con số này đã tăng lên 70 USD/người/năm và ngành dược đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, tốc độ tăng trưởng sản xuất thuốc của các doanh nghiệp nội tăng khá nhanh. Giai đoạn 2001-2011, giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt 17% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân, đến giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ này đã tăng lên 46%.
>>Khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam
Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cho thấy, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ từ 2,7 tỷ USD năm 2015, lên 7 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo có thể đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2026.
Mặc dù, Việt Nam đã phát triển số lượng lớn doanh nghiệp dược, tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa đóng vai trò chủ đạo trong thị trường dược phẩm. Thuốc sản xuất trong nước chiếm chưa đến 50% tổng giá trị tiền thuốc được tiêu thụ. Ngoài ra, quy mô của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm chưa lớn, số lượng mặt hàng không nhiều, hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao, gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu…
Nguyên nhân chu yếu là do tâm lý sử dụng dược phẩm của người tiêu dùng vẫn có sự ưu tiên với hàng ngoại. Trong khi đó, Việt Nam hiện tại cũng chưa sản xuất được các thuốc đặc trị, chỉ làm được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường (thuốc generic - bản sao của thuốc biệt dược), chưa khai thác hết công suất sản xuất, chưa nghiên cứu sản xuất thuốc hết hạn phát minh, chưa chú trọng chuyển giao công nghệ mới…
Trước thực trạng nêu trên, để phát triển ngành dược nội địa, TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cung ứng, phân phối. Trong đó cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, vaccine, sinh phẩm (như bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc; phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu…).
Ngoài ra cần thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt là kiểm định vaccine, sinh phẩm.
“Phải đẩy mạnh nghiên cứu, quan hệ quốc tế nhằm phát triển thuốc biệt dược gốc, thuốc đặc trị. Có định hướng và lộ trình cụ thể để chuẩn hóa các hoạt động đào tạo cơ bản, đào tạo liên tục và đào tạo nâng cao nhân lực dược…”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhấn mạnh
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, bà Mary Harney, Nguyên Phó Thủ tướng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và trẻ em của Ireland nhận định, để đạt được những mục tiêu phát triển vượt bậc ngành công nghiệp dược phẩm, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống luật pháp cho ngành công nghiệp dược như tạo các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Làm thế nào để có được sự minh bạch từ đó giúp doanh nghiệp họ thấy trong tương lai họ được hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp - không có sự phân biệt đối xử để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển”, bà Mary Harney chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Viettel Post và Lê Bảo Minh hợp tác công bố giải pháp Logistics trọn gói cho ngành dược
16:00, 22/01/2024
Kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành Dược phẩm
03:40, 21/01/2024
Ứng dụng điện toán đám mây: Giải pháp nâng cao hiệu quả R&D trong ngành Dược
20:16, 16/01/2024
Xu hướng ngành dược mỹ phẩm năm 2024 và vai trò của xây dựng thương hiệu
17:08, 25/12/2023
Tạo bệ phóng tăng trưởng từ chính sách cho ngành dược
16:00, 29/11/2023