HVN “cất cánh”

LÊ MỸ 25/05/2024 03:02

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đã tạo hứng khởi cho nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu ngành hàng không.

>>>Vietnam Airlines khai thác tàu bay thân rộng đường bay Hà Nội - Singapore

Mặc dù vậy, HVN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như vẫn âm vốn chủ sở hữu, còn lỗ lũy kế lớn…

Cải thiện kết quả kinh doanh

Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của HVN, doanh thu hợp nhất đạt gần 28.270 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng doanh thu của công ty mẹ Vietnam Airlines đạt hơn 22.100 tỷ đồng - là quý đạt doanh thu cao nhất kể từ năm 2015 đến nay. Lý giải về tăng trưởng lợi nhuận, HVN cho biết có sự tăng trưởng doanh thu từ lưu chuyển hành khách và việc mở rộng các tuyến bay đã mang đến hiệu quả tích cực, giúp Công ty bứt phá so với cả trước đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo HVN nhấn mạnh giá vé máy bay tăng không phải là yếu tố giúp doanh nghiệp sinh lời. Nhu cầu vận chuyển tăng cao, đặc biệt quý I/2024 là mùa cao điểm di chuyển nội địa, ở một phía khác là hãng Bamboo Airway thu hẹp đội bay giúp giảm cạnh tranh. Qua đó, với công suất ghế luân chuyển (ASK) tăng 12% so với cùng kỳ trong khi lưu lượng khách luân chuyển (RPK) tăng 16% so với cùng kỳ; hệ số sử dụng ghế tăng mạnh lên 81,7%, cao hơn mức 78,2% trong quý I/2023, là “chìa khóa” giúp cải thiện hoạt động của HVN. Điều này cộng hưởng với chi phí đơn vị thấp hơn, giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.

Việc mở các tuyến bay quốc tế, cùng với nhu cầu di chuyển quốc tế bắt đầu mạnh hơn (số lượng khách tăng 37% so với cùng kỳ) cũng đã dẫn đến sự tăng trưởng về lưu lượng hành khách và đóng góp cho gần 65% tổng doanh thu của HVN.

>>>Bị hạn chế giao dịch, tình hình hoạt động của HVN ra sao?

Đặc biệt, khoản thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng đến từ việc xoá nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines, là nguồn đóng góp tích cực cho tổng thu nhập, mặc dù đây là khoản không thường xuyên.

Kết thúc quý I/2024, HVN ghi lãi gộp hợp nhất đạt gần 4.085 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận tính theo quý cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của HVN. Còn trừ các khoản lợi nhuận và lỗ không thường xuyên, lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh cốt lõi của HVN tăng mạnh, đạt 1,5 nghìn tỷ đồng trong quý I/2024 so với mức lỗ 0,1 nghìn tỷ đồng trong quý I/2023, đánh dấu sự lột xác của hãng sau những nỗ lực tái cơ cấu để lấy lại đà cất cánh, tăng trưởng.

 Doanh thu năm 2023 của Vietnam Airlines đang dần hồi phục về mức trước dịch COVID-19. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines).

Doanh thu năm 2023 của Vietnam Airlines đang dần hồi phục về mức trước dịch COVID-19. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines).

Vẫn còn thách thức

Tại ngày 31/03/2024, vốn chủ sở hữu của HVN vẫn âm hơn 12.500 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 56.316 tỷ đồng, giảm khoảng 1.400 tỷ đồng so với đầu kỳ. Nợ phải trả hơn 68.872 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 74.742 tỷ đồng hồi đầu năm. Lỗ lũy kế của HVN hơn 36.700 tỷ đồng, giảm khoảng 4.330 tỷ so với cuối năm 2023.

 4.085 tỷ đồng là khoản lãi gộp hợp nhất quý I/2024 của HVN, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2023, nếu HVN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn vốn và dòng tiền, thì năm 2024, hãng vẫn đang tiếp tục các giải pháp nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay và nhân lực, gia tăng khả năng cung ứng thuê ướt tàu bay nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, giảm thiểu chi phí, đàm phán giá dịch vụ và lãi suất…

HVN cũng cho biết đã hoàn thành “Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2022 - 2025”, hiện đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hãng dự kiến tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.

Một vướng mắc của HVN trong hành trình tái cơ cấu là bên cạnh thuận lợi, như việc có thể được Quốc hội (hiện được Chính phủ trình xem xét) cho gia hạn trả khoản nợ vay 4.000 tỷ đồng nhằm giảm bớt áp lực dòng tiền trả nợ; thì việc phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ rất cần sự thông thoáng đầu ra của cổ phiếu. Dù cổ phiếu HVN đã tăng giá tích cực, phản ánh triển vọng của ngành hàng không nói chung và sự cải thiện kinh doanh của HVN nói riêng, nhưng vẫn bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều), làm giảm khả năng thanh khoản.

Giá cổ phiếu HVN đã tăng mạnh hơn 45% trong 3 tháng qua và diễn biến tích cực hơn chỉ số VN-Index, hiện được giao dịch quanh mốc 24.200đ/cp. Với kết quả kinh doanh quý I/2024 của HVN vượt dự báo (do tái cấu trúc Pacific Airlines), Khối Nghiên cứu Phân tích HSC cho rằng kết quả thực hiện của HVN rõ ràng có tiềm năng vượt dự báo của khối trong ngắn hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu HVN phục hồi nhờ triển vọng kinh doanh sáng

    Cổ phiếu HVN phục hồi nhờ triển vọng kinh doanh sáng

    05:28, 05/07/2023

  • Vietcombank đăng ký mua hơn 8 triệu cổ phần HVN

    Vietcombank đăng ký mua hơn 8 triệu cổ phần HVN

    01:48, 17/09/2021

  • Vietcombank mua vào cổ phiếu, HVN vẫn mờ nhạt suy giảm

    Vietcombank mua vào cổ phiếu, HVN vẫn mờ nhạt suy giảm

    13:13, 16/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HVN “cất cánh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO