Kế hay nào hút khách quốc tế?

HẠNH LÊ 22/03/2023 15:17

Chính sách visa thân thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới điểm đến… là những vấn đề “nóng” được thảo luận tại toạ đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”.

>>>VBF 2023: Thay đổi visa du lịch để thúc đẩy tăng trưởng xanh

Nguy cơ “đi trước về sau”

Là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN mở cửa du lịch sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng ngành du lịch Việt Nam dần đánh mất ưu thế dẫn đầu. Tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ đạt 18,1%, xếp sau nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, quốc gia mở cửa cùng thời điểm có tốc độ phục hồi đạt 22% và những quốc gia mở cửa du lịch muộn hơn như Singapore đạt 30,9% hay Malaysia là 27,5%.

TS Nuno F. Ribeiro - Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam)

TS Nuno F. Ribeiro - Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam)

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là mục tiêu lớn và đầy thách thức khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 không được như kỳ vọng.

TS Nuno F. Ribeiro - Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) đánh giá: với tần suất xuất hiện dày đặc trên nhiều kênh truyền thông có tiếng cùng các giải thưởng du lịch quốc tế năm 2022 có thể mang lại sự thay đổi cần thiết cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia - những thị trường đã nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 và đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh, thị thực ít nghiêm ngặt hơn.

Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính thông tin một thực tế buồn: Việt Nam đang đối mặt với sự sụt giảm lượng khách inbound khi trở lại đường đua du lịch. Trong khi thu hút tốt khách quốc tế đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú. Khách quốc tế thường có thời gian lưu trú dài (từ 8-12 ngày), chi tiêu lớn (từ 1.100 - 2.000 USD/chuyến đi). Trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt vào năm 2019, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu đạt được chiếm 2/3 doanh thu toàn ngành.

Thị thực thân thiện và cởi mở để hút khách quốc tế

Sự sụt giảm này, ngoài nguyên nhân khách quan: dịch bệnh chưa phục hồi hoàn toàn, suy thoái kinh tế và xung đột toàn cầu; vé máy bay tăng cao… các chuyên gia nhận định, chính sách thu hút khách quốc tế của Việt Nam còn chưa hấp dẫn.

TS Nuno F. Ribeiro cho rằng, thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà, nỗ lực quảng bá chưa tương xứng, tỷ lệ khách quốc tế quay lại thấp so với một số nước trong khu vực… Đặc biệt, số nước được miễn thị thực còn ít và thời gian miễn thị thực ngắn trong khi khách quốc tế lưu trú càng lâu chi tiêu càng nhiều.

Chính sách thị thực cũng là vấn đề được ông Martin Koerner - Trưởng tiểu ban Du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch tiểu ban Du lịch và khách sạn của Eurocham nhấn mạnh. Theo ông Martin Koerner, chính sách visa của Việt Nam còn hạn chế và phức tạp hơn một số nước trong khu vực; chưa thiết lập visa điện tử với một số nước; việc thực thi chính sách mới liên quan đến du lịch còn chậm chễ.

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh đó, ông Martin Koerner cũng phàn nàn về chất lượng dịch vụ, nhất là tại khu vực xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, sân bay ở Việt Nam. Đây là một trong những điểm đến đầu tiên của khách quốc tế đến Việt Nam nhưng khu vực xuất nhập cảnh còn thiếu thân thiện, thời gian thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh kéo dài từ 2-3 tiếng… Những hạn chế này mang lại trải nghiệm không tốt cho du khách và ảnh hưởng rất lớn đến quyết định lựa chọn chuyến đi tiếp theo.

Để thu hút khách quốc tế, nhất là tăng tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, TS Nuno F. Ribeiro đề xuất các giải pháp trước mắt như tăng cường visa điện tử, mở rộng miễn phí thị thực cho càng nhiều quốc gia càng tốt, đơn giản thủ tục hành chính, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các chuyến bay để du khách hiểu được văn hoá và phong cảnh trước khi có những trải nghiệm thực tế.

Đồng tình với đề xuất trên, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, ngành du lịch cần chú trọng đặc biệt tới việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, bao gồm thị thực điện tử và miễn thị thực.

Đối với các du khách đến từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ - những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam, ngành du lịch nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn từ 5 - 10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, cần sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu để tạo thuận tiện cho công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Về lâu dài, TS Nuno F. Ribeiro cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, du lịch Việt Nam cần xác định phân khúc khách và thị trường cụ thể; xem xét chuyển từ khách thám hiểm, không quan tâm đến tiện ích, tiện nghi hạ tầng sang nhóm khách du lịch có khả năng chi tiêu nhiều hơn, lưu trú dài hơn để có nhiều trải nghiệm. “Những đối tượng khách này có thể trở thành đại sứ quảng bá du lịch Việt Nam. Từ sự trải nghiệm của mình, du khách sẽ quảng bá, truyền miệng cho bạn bè, người thân về du lịch Việt Nam” - TS Nuno F. Ribeiro nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bài toán đón khách quốc tế dài hạn

    Giải bài toán đón khách quốc tế dài hạn

    03:30, 10/03/2023

  • Tàu du lịch khó khăn vì vắng khách quốc tế

    Tàu du lịch khó khăn vì vắng khách quốc tế

    02:00, 05/03/2023

  • Kết nối du lịch - hàng không hút khách quốc tế

    Kết nối du lịch - hàng không hút khách quốc tế

    02:00, 13/02/2023

  • Du lịch Quảng Nam kỳ vọng bùng nổ khách quốc tế

    Du lịch Quảng Nam kỳ vọng bùng nổ khách quốc tế

    03:00, 01/02/2023

  • Du lịch Đà Nẵng vẫn chờ khách quốc tế

    Du lịch Đà Nẵng vẫn chờ khách quốc tế

    04:00, 13/01/2023

  • Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế liệu có khả thi?

    Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế liệu có khả thi?

    04:00, 04/01/2023

  • Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt du khách quốc tế

    Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt du khách quốc tế

    19:42, 31/12/2022

  • Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023

    Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023

    05:00, 29/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kế hay nào hút khách quốc tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO