Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần gắn với mô hình kinh doanh bền vững, mô hình kinh doanh có trách nhiệm để hướng tới tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững.
>>>Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới giới trẻ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP HCM tại buổi tổng kết của Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia khu vực phía Nam.
“Tôi mong muốn Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận thức vai trò của biến đổi khí hậu, thực hiện tiết kiệm năng lượng, hạn chế năng lượng hoá thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo, hướng tới năng lượng xanh. Từ đó các doanh nghiệp khởi nghiệp cần gắn với mô hình kinh doanh bền vững, mô hình kinh doanh có trách nhiệm để hướng tới tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững”, ông Nam nhấn mạnh.
Lãnh đạo VCCI TP HCM nhìn nhận, giai đoạn đầu ứng dụng mô hình, công nghệ tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn có thể phát sinh chi phí lớn, nhưng về lâu dài, đây là cơ hội để startup tham gia thị trường nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Ông Nam cho rằng, ứng dụng năng lượng xanh cần kết hợp chuyển đổi số, áp dụng các quy trình, mô hình vận hành mới để phát triển hiệu quả hơn.
Có thể thấy, Việt Nam, một nước đang phát triển cũng rất quan tâm đến vấn đề “xanh”. Không chỉ thể hiện qua các cam kết của Chính phủ, mà còn thể hiện ở sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, startup trong việc ứng dụng nhiều công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu.
Bóng dáng của các startup “xanh”, dù chưa nhiều nhưng đã thấp thoáng tại nhiều lĩnh vực, như công nghệ nông nghiệp có Fargreen ( tận dụng rác thải nông nghiệp để phát triển nông nghiệp); ngành hàng tiêu dùng có Equo (startup cung cấp bao bì, ống hút, dụng cụ ăn uống từ mía, cà phê, dừa); phương tiện di chuyển có Dat bike, HayBike (xe đạp trợ lực điện); xử lý chất thải có Grac, Veca, Ralaya, Vucico; lĩnh vực năng lượng có LC, Blue Boson, SolarTek…; thức ăn có Cricket One (nuôi dế thay thế protein); lĩnh vực chuỗi cung ứng có Hyyh…
Các startup “xanh” hầu hết đều nhận được sự chú ý trong các cuộc thi khởi nghiệp, bước đầu nhận được dòng vốn triệu USD từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam cho biết, trong các hoạt động tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, các thành viên trong hội đồng luôn hướng các dự án theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng năng lượng xanh, bảo vệ môi trường và chuyển đổi số. Bà cho rằng, thời gian tới, hội đồng sẽ thúc đẩy các hoạt động tiếp nhận các dự án khởi nghiệp tham quan, làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp
Bà Lan cho rằng xu hướng "xanh hóa" startup hiện tại ở TP.HCM còn được hưởng lợi bởi hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố đang phát triển năng động. Theo nghiên cứu của quốc tế, TP.HCM tiếp tục thăng hạng lên vị trí 111 và đang tiến gần đến top 100 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.
Từng là giám khảo cho nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trên khắp cả nước, doanh Nhân Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần S Furniture, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam cho biết rất ấn tượng với những dự án startup xanh của các bạn trẻ trên cả nước. "Các hoạt động, sản xuất "xanh" đã trở thành "nghĩa vụ", không phải là sự "lựa chọn".
Hội đồng tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam là tổ chức xã hội thành lập năm 2014 dưới sự chỉ đạo của VCCI. Hội đồng gồm 64 thành viên là các doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên đại học... tham gia tổ chức chương trình hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các hoạt động, đào tạo cố vấn, giao lưu với doanh nghiệp, cuộc thi, đào tạo kỹ năng... cho hàng chục nghìn người khởi nghiệp tại TP HCM và các tỉnh thành.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp xanh: Hành trình đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới
02:58, 14/10/2022
Để khởi nghiệp xanh không là giấc mơ
04:23, 14/07/2021
Có thể bạn quan tâm