Để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 và những năm tiếp theo, nguồn lực đầu tư phải đến từ khu vực tư nhân.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 phụ thuộc vào “cỗ xe tam mã”: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, theo PGS TS Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế quốc dân, bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất định hiện nay khiến 3 động lực về phía tổng cầu bị ảnh hưởng.
Với động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, PGS TS Phạm Thế Anh cho biết, dù kết quả đàm phán trong gần 90 ngày tới thế nào thì thế giới vẫn phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn. Với quốc gia hướng mạnh về xuất khẩu, kinh tế Việt Nam được dự báo phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn.
Với động lực tăng trưởng từ tiêu dùng nội địa, theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), quý 1 năm 2025, tiêu dùng trong nước tăng khá - đạt 7,45%. Trong đó, sức mua nội địa tuy đã tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa hồi phục hoàn toàn so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Trong quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận mức tăng khá 9,9%, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng chậm hơn ở mức 8,8% phản ánh nhu cầu mua sắm hàng hóa còn dè dặt cũng như tâm lý thận trọng trong chi tiêu của người tiêu dùng trước những bất ổn về kinh tế toàn cầu, thu nhập trong nước chưa phục hồi mạnh.
Với động lực từ đầu tư, theo PGS TS Phạm Thế Anh, đầu tư công được kỳ vọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nếu các dự án được khơi thông. Tuy nhiên, đầu tư công sẽ chỉ bù đắp được phần nào tác động tiêu cực từ bên ngoài, được xem là “vốn mồi” lan toả và dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Trong dài hạn, nguồn lực đầu tư đến từ khu vực tư nhân. Chỉ có điều, hiện nay để thu hút đầu tư tư nhân cần dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô, chính sách ổn định, thông suốt trong thời gian dài. Thời điểm này, doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch hóa thủ tục pháp lý, tháo gỡ các rào cản hành chính là giải pháp quan trọng khơi thông dòng vốn tư nhân và chuyển hóa thành tăng trưởng.
Thông tin cụ thể về khu vực kinh tế tư nhân, theo GS TS Ngô Thắng Lợi - Đại học Kinh tế quốc, hơn 900.000 doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp hơn 43% GDP và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động nhưng khu vực kinh tế tư nhân đang gặp nhiều rào cản trong phát triển.
Trong đó, nút thắt về thể chế, chính sách còn nhiều khía cạnh thiếu tính bao trùm giữa khu vực tư nhân với các khu vực khác. Chẳng hạn, trong tiếp cận nguồn lực, doanh nghiệp nhà nước tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhiều trong khi, khu vực tư nhân chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn, tuân thủ thủ tục hành chính chồng chéo, chi phí không chính thức…
Tiên phong ứng dụng các mô hình kinh doanh mới như fintech, thương mại điện tử, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng đến nay khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp tư nhân phát triển chưa có. Vì vậy, chuyên gia đề xuất mô hình phát triển bao trùm ở góc độ doanh nghiệp và hoàn thiện các chính sách hướng tới phát triển bao trùm và bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân so với các khu vực doanh nghiệp khác.