Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân khẳng định đảm bảo công bằng cho khu vực tư nhân trong tiếp cận nguồn lực so với các khu vực kinh tế khác.
Đây là một trong những nội dung được bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) thông tin khi trao đổi về dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân đang được Bộ Tài chính “chắp bút” trình Chính phủ và Trung ương.
Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân được xây dựng trên tinh thần tổng hợp 4 nhiệm vụ mà Trung ương giao Bộ Tài chính thực hiện. Trong đó có nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân năm 2017; đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; đề án Phát triển doanh nhân Việt Nam.
Theo bà Bùi Thu Thuỷ, qua nắm bắt tình hình, có nhiều vấn đề được doanh nghiệp phản ánh, nhất là các vấn đề cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến thể chế, pháp luật, liên quan tới niềm tin của doanh nghiệp tư nhân khi bỏ vốn đầu tư kinh doanh và muốn có sự đảm bảo về quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh.
“Đây là những vấn đề lớn, dù đã được các Nghị quyết trước đó đã đề cập nhưng quá trình thực thi thời gian qua, các doanh nghiệp cho rằng còn chưa an tâm” - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể nêu rõ.
Không chỉ tập hợp những ý kiến, thông tin phản ánh từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Nghị quyết lần này còn chắt lọc, học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trong quá trình phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Trên tinh thần đó, dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân đề cập quan điểm mạnh mẽ, có quan điểm tuy không phải là mới so với những Nghị quyết trước nhưng được thể hiện cụ thể hơn.
Bên cạnh đó, cũng giống tinh thần Nghị quyết 57, dự kiến tại Nghị quyết lần này có nhóm giải pháp đột phá cho các doanh nghiệp về cải cách thể chế, chính sách, cải thiện tiếp cận của doanh nghiệp về đất đai, nguồn lực, vốn, nhân lực. Đặc biệt, khẳng định công bằng cho khu vực tư nhân trong tiếp cận các nguồn lực so với các khu vực kinh tế khác.
Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân cũng cụ thể hoá hơn so với Nghị quyết 10 về một số nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo quy mô. Đó là có chính sách cho doanh nghiệp vừa và lớn để vươn lên dẫn dắt trong nền kinh tế; có nhóm chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tạo nhiều công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; có nhóm chính sách rất mạnh cho các hộ kinh doanh để rõ hơn về pháp lý, hoạt động minh bạch, gần với mô hình doanh nghiệp và công bằng hơn.
Kinh tế tư nhân đang được xác định là một trong những động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam. Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân, đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: kinh tế tư nhân góp phần quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban với nhiệm vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.
Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải có chính sách đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân với tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn chính xác những “đòn bẩy, điểm tựa”, có tính khả thi, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân.