Cần "mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân"; có cơ chế giao kinh tế tư nhân tham gia phát triển, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cho ý kiến, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Đề án để chuẩn bị trình Bộ Chính trị, chiều 2/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đề án Phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần được xây dựng với không gian mở rộng, bao quát cả hộ gia đình, hộ kinh doanh và mọi loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, kế thừa các quan điểm chỉ đạo, giải pháp trong các nghị quyết của Đảng, cũng như những bài viết, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân.
Các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: nguồn lực xuất phát từ tư duy và tầm nhìn, động lực đến từ đổi mới và sáng tạo, còn sức mạnh đến từ nhân dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đề án phát triển kinh tế tư nhân được thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với phạm vi bao gồm mọi loại hình doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể.
Việc xây dựng đề án cần có đột phá mạnh mẽ, vượt qua giới hạn cũ, lựa chọn chính xác các “đòn bẩy, điểm tựa” để tạo bước ngoặt trong phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp quan trọng vào các mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045).
Thủ tướng yêu cầu diễn đạt chính sách theo hướng giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng toàn bộ sức sản xuất của nền kinh tế thông qua phát triển kinh tế tư nhân, huy động tối đa nguồn lực khu vực tư nhân, khai thác hiệu quả nội lực (con người, tài nguyên, văn hóa - lịch sử), đồng thời kết hợp hài hòa với nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ, quản trị…) để tạo đột phá trong tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cần thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong tổng thể nền kinh tế, xác định đây là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng.
Ông nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh tối đa theo nhiều hình thức khác nhau, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên, tài sản của đất nước.
Thủ tướng cũng chỉ đạo chuyển từ tư duy thụ động trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sang trạng thái chủ động thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, đặt mục tiêu cao hơn về đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP, tăng năng suất lao động…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định đây là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, tạo sự đồng thuận cao, khơi dậy niềm tin, động lực phát triển.
Thứ hai, xây dựng và tổ chức thực hiện thiện thể chế theo hướng thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc đăng ký kinh doanh trên môi trường số với thời gian cụ thể, nhanh chóng.
Thứ ba, đa dạng hóa nguồn lực, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng cơ hội kinh doanh. Đẩy mạnh hợp tác công tư theo các mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư", "đầu tư công, quản lý tư", "đầu tư tư, sử dụng công". Đồng thời, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Cùng với đó, thúc đẩy kinh doanh bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực. Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên.
Thứ tư, đặt niềm tin, tạo động lực, truyền cảm hứng để kinh tế tư nhân phát triển, tạo việc làm, sinh kế, làm giàu cho bản thân và đóng góp cho đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh quản trị thông minh, đầu tư phát triển hạ tầng nhằm giảm chi phí đầu vào, cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng suất lao động.
Để thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, Thủ tướng yêu cầu huy động và giao nhiệm vụ cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia các công trình trọng điểm quốc gia. Ông khẳng định, cần “mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho kinh tế tư nhân”, đồng thời xây dựng cơ chế để khu vực này đóng góp vào quá trình hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh.