Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực thúc nền kinh tế tuần hoàn…nhưng do khó khăn về công nghệ, nguồn lực, nên đến nay Việt Nam vẫn chưa hình thành thị trường của nền kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh.
Theo lẽ thường, người tiêu dùng hay các doanh nghiệp khi sử dụng nguyên liệu sản xuất hoặc hàng hoá sẽ kết thúc bằng chất thải. Nhưng với nền kinh tế tuần hoàn sẽ không có điểm kết thúc, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai...
Câu chuyện sản xuất không có chất thải
Trang trại chăn nuôi Lộc Phát của Công ty Lộc Phát thuộc tỉnh Bình Phước là một là một trong số không nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay đi tiên phong đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất để giảm thiểu tác hại môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với hệ thống xử lý chất thải biogas trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được đưa vào hệ thống xử lý, tạo ra 30% năng lượng gas, điện cho toàn trang trại. Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng. Để “tiêu thụ” số lượng nhau thai heo “khủng” và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Đây không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn là nguồn lợi lớn của doanh nghiệp.
Theo Quỹ Ellen MacArthur, nếu các chuỗi cung ứng tuần hoàn mà tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể tạo ra hơn 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025.
Một công ty khác là DOW Chemical Vietnam, một trong những tập đoàn đa quốc gia đi đầu trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Thông qua Chương trình thí điểm túi năng lượng ở thành phố Citrus Heights, bang California, Dow đã giúp chuyển đổi 6.000 pound nhựa thải vốn chưa từng được tái chế trước đây - như túi nước trái cây, giấy gói kẹo và đồ chứa thức ăn bằng nhựa - thành 512 gallon nhiên liệu. Hay như, thông qua quan hệ đối tác công-tư, Dow Terneuzen tại Hà Lan, nhà máy chế biến hóa chất lớn nhất của Dow ở ngoài Hoa Kỳ tái sử dụng 30.000 mét khối nước thải đô thị mỗi ngày để sản xuất hơi nước và cung cấp cho các nhà máy sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 14/02/2018
06:40, 06/02/2018
11:54, 23/01/2018
17:04, 12/10/2017
11:26, 10/10/2017
Tuy nhiên, tại Việt Nam, số doanh nghiệp dùng năng lượng tái tạo để phục vụ sản xuất như Lộc Phát hay DOW… hiện không có nhiều, đa số vẫn chưa hiểu rõ về kinh tế tuần hoàn, đó là chưa kể hành lang pháp lý câu chuyện này vẫn chưa hoàn chỉnh.
Tất nhiên, ngay cả với thế giới dù đi trước nhưng kinh tế tuần hoàn vẫn là điều còn mới mẻ, huống hồ là với các doanh nghiệp Việt.
Thiếu quy chuẩn thực hiện
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai… để xây dựng các cơ sở tái chế chất thải để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Chính phủ định hướng ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực, như tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy… Đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng sinh khối và khí sinh học; xây dựng mô hình sản xuất kết hợp xử lý chất thải, sinh năng lượng; khuyến khích ưu tiên tái chế, sử dụng phụ phẩm và phế phẩm từ các ngành thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày... trong chuỗi sản xuất.
Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu tái chế rất lớn, nhưng chưa có quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn, mà hiện nay vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp ủ yếm khí, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm từ chất thải công nghiệp, trong khi công nghệ và quy mô tái chế chất thải còn lạc hậu, gây ô nhiễm vì thiếu vốn đầu tư.
Ngoài ra, tại Việt Nam đang có một nghịch lý là thừa chất thải nhưng vẫn phải nhập phế liệu. Mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn giấy, nhựa và sắt thép phế liệu phục vụ sản xuất trong nước, trong khi lượng chất thải như tro, xỉ, bã thạch cao từ hoạt động sản xuất thép, nhiệt điện than và sản xuất phân bón DAP lên đến gần 16 triệu tấn, chất thải sinh hoạt đô thị khoảng 25 triệu tấn…
Sở dĩ có nghịch lý trên là do các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý, sử dụng chất thải công nghiệp làm vật liệu xây dựng, sản phẩm thương mại còn thiếu và chưa đồng bộ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 cho rằng, để giải quyết nghịch lý này, Nhà nước sớm ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ từ nhiệt điện than; đồng thời tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chất lượng và hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng không nung, phát triển thị trường vật liệu xây dựng từ tro, xỉ... Mặt khác, nhà nước cần có ưu đãi các doanh nghiệp xử lý, tiêu thụ tro xỉ…