Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Tại phiên họp của Quốc hội liên quan đến quản lý bất động sản và nhà ở xã hội ngày 28/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ý kiến về tình trạng giá nhà đất tăng cao gấp nhiều lần, vượt quá mức chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở. Bên cạnh đó, tình trạng đấu giá đất vùng ven với giá trung cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và cao hơn nhiều so với giá thị trường cũng được các đại biểu nêu ra và yêu cầu cơ quan quản lý có giải pháp ngăn chặn.
Liên quan đến hoạt động đấu giá đất "nóng" lên tại một số địa phương thời gian qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết tình trạng thổi giá đất, đẩy giá tại các phiên đấu giá gần đây đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là:
Việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.
Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh; trong đó, sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc.
Các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong Bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm, dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp trong Báo cáo số 254, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó:
Đối với đấu giá quyền sử dụng đất, ngoài việc phải triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhà nước, Luật Đất đai, Luật Giá và pháp luật có liên quan, đề nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá đất cần quan tâm 04 nhóm nội dung, đó là:
Thứ nhất, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Thứ hai, điều chỉnh hợp lý giá đất trong Bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm.
Thứ ba, trong quy chế đấu giá có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định việc công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Thứ tư, cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường bất động sản, bao gồm cả các sản phẩm đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá sử dụng đất đai theo quy định.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất một số giải pháp để tăng cường các biện pháp quản lý, chấn chỉnh công tác đấu giá đất và phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền quyết định.