Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Chính phủ triển khai nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành…
Gửi kiến nghị đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị, cho phép tiếp tục giãn, hoàn thuế, giảm phí, lệ phí và gia hạn tiền thuế đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ; xem xét tăng thời gian gia hạn thuế đến hết tháng 6/2022; giảm thuế GTGT các ngành chịu ảnh hưởng trầm trọng như: Du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải…và những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; không thanh, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi không có dấu hiệu vi phạm trong năm 2021.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng triển khai có hiệu quả Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn. Cho vay lãi suất ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại nhà nước, cho vay theo hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh gắn với có dự án khả thi. Điều chỉnh lãi suất vay tương ứng với giảm lãi tiền gửi theo từng thời điểm.
Quan tâm điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện các Chương trình xúc tiến thương mại; Giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 và đến tháng 6/2022; Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất …
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch, cụ thể, ngoài các chính sách hỗ trợ đã ban hành về tín dụng, thuế, an sinh xã hội…, Chính phủ nghiên cứu để có gói hỗ trợ về giảm lãi suất khoảng 2%/năm đối với các khoản vay mới, giúp doanh nghiệp có điều kiện về nguồn vốn mới nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Gói hỗ trợ lãi suất vay này do ngân sách Nhà nước hỗ trợ, không như các gói hỗ trợ tín dụng vừa qua, phần lớn đều dựa vào “lòng tốt” của ngân hàng khi hỗ trợ giảm lãi suất, khiến doanh nghiệp rất khó đáp ứng điều kiện của các Ngân hàng thương mại.
Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài việc giãn, hoãn các khoản thuế thuế như hiện nay, đề xuất Chính phủ nghiên cứu để có chính sách miễn, giảm thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và một số loại thuế và phí khác có thể; Trong lĩnh vực du lịch, cho phép dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2021 để có thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu giảm tiền thuế đất cho các ngành khách sạn và các ngành du lịch nghỉ dưỡng đang bị đóng cửa do dịch bệnh; Trong thời gian doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch, đề nghị Chính phủ nhắc lại việc thực hiện triệt để chỉ đạo của thủ tướng, không thanh kiểm tra doanh nghiệp trong thời điểm này. Chuyển mạnh tiền kiểm sang hậu kiểm; Không cho điều chỉnh tăng các khoản chi phí gián tiếp của doanh nghiệp như điện, nước, xăng dầu.
Quan tâm chỉ đạo triển khai nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành để doanh nghiệp có thể tiếp cận và được thụ hưởng trong thực tế, tránh tình trạng có chính sách ban hành nhưng không khả thi trong thực tế: Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021; Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, tổ chức này cũng kiến nghị phía ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số; đẩy mạnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài tỉnh...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Thừa Thiên Huế, để chuẩn bị đón đầu làn sóng đầu tư FDI mới vào nước ta khi kiểm soát được dịch COVID-19, đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có khuyến nghị với các Chủ đầu tư để khuyến nghị trong các dự án đầu tư mới được Chính phủ cho phép có nội dung ưu tiên liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh nơi dự án chọn làm địa bàn đầu tư trong cung ứng các chuỗi giá trị phục vụ cho dự án, nhất là các doanh nghiệp nội địa sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung ứng vật tư, nguyên liệu, phụ liệu cho dự án đầu tư mới này.
Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng vắc xin cho cán bộ và công nhân lao động của mình nhằm bảo đảm công tác sản xuất kinh doanh được vận hành thông suốt.
Đồng thời, có hướng dẫn về tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động là tổ chức nào, vì hiện có nhiều tổ chức Hiệp hội, hội doanh nghiệp ở cấp tỉnh cùng hoạt động, khi cần đến vai trò, tiếng nói của Hiệp hội doanh nghiệp trong mối quan hệ lao động giữa 3 bên là rất khó cho chức năng đại diện ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng
03:55, 07/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Phân bổ vắc xin phòng dịch COVID-19 cho các cơ sở y tế tư nhân
03:40, 07/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đồng bộ hướng dẫn khi áp dụng 3 tại chỗ
03:35, 07/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đảm bảo sản xuất và chuỗi cung ứng
04:00, 06/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đẩy nhanh tiến độ giảm thuế, phí và tiền thuê đất
03:55, 06/10/2021