Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá

GIA NGUYỄN 10/01/2023 05:00

Mặc dù ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương để doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ,... tuy nhiên, theo chuyên gia, không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá…

>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, bên cạnh đề xuất giảm số ngày điều hành xăng dầu từ 10 ngày hiện hành xuống 7 ngày để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới, nội dung của Dự thảo còn khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi đề xuất doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ, cơ quan quản lý chỉ công bố giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: BCP

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: BCP

Cụ thể, tại Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo các phương án:

Phương án 1: Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, như rà soát nội dung quy định về premium trong nước.

Đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí, bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình, gồm: các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

Trong đó, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2: “Nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá), các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán”.

Theo Bộ Công Thương, phương án này sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường…

Đề xuất và lựa chọn đã nêu, ngay lập tức nhận được sự đồng tình, tuy nhiên, xoay quanh nội dung này, vẫn còn đó những ý kiến trái chiều.

>> Giữ mức sàn thuế bảo vệ môi trường xăng dầu - Cần thiết để doanh nghiệp phục hồi

để doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ

Đề xuất để doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ trong Dự thảo được Bộ Công Thương lấy ý kiến vẫn còn đó nhiều tồn tại - Ảnh minh họa: Internet

Thông tin với báo chí, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ủng hộ để doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu với kỳ vọng sự bất cập về lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, theo ông Việt, ngay các quy định đưa ra trong Dự thảo đã có sự mâu thuẫn nhất định. Chẳng hạn cho doanh nghiệp tự quyết giá, vậy duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để làm gì? Nếu vẫn duy trì quỹ là quá vô lý và hoàn toàn đi ngược kỳ vọng đưa giá xăng dầu tiến sát thị trường theo quan điểm của nhà quản lý.

Hay như, song song với việc tự quyết giá, phải nới cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thể lấy nguồn hàng từ nhiều hơn một nhà phân phối, đầu mối khác nhau. Không thể bắt buộc chủ cây xăng chỉ ký với một đơn vị phân phối, đầu mối lấy hàng như hiện nay được.

“Giá cả theo cơ chế thị trường phải đi đôi với tự do cạnh tranh cung - cầu và đặc biệt là tự do lựa chọn bạn hàng, đối tác. Doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán, nhưng nếu doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đưa ra mức giá bán mang tính áp đặt thì phần thiệt thòi là người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ. Dự thảo Nghị định tháo chỗ này, giữ chỗ khác và vẫn còn nặng tư duy bao cấp...

Ngoài ra, với lo ngại về việc giá cả xăng dầu tại vùng sâu, vùng xa có thể tăng khi cho doanh nghiệp tự quyết giá bán vì chi phí vận chuyển, cần có quy định và phải có kiểm tra tính hợp lý của các chi phí tự khai của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giá cả trực tiếp cho từng lít xăng bán ra tại thị trường vùng xa, sâu… cũng có thể áp dụng được. Theo tôi biết, việc chia giá bán lẻ xăng dầu theo 2 giá thuộc vùng 1 (gần cảng, kho) và vùng 2 (xa cảng, kho), giá xăng cũng do doanh nghiệp đầu mối lớn quy định và áp giá bán. Giá bán ở vùng 2 luôn cao hơn giá vùng 1, địa phương đang mua xăng dầu giá cao (vùng 2) hơn giá cơ sở của Nhà nước quy định chiếm hơn 48/63 tỉnh thành”, TS Nguyễn Quốc Việt bày tỏ.

Còn theo, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phương án cho doanh nghiệp tự quyết giá bán là “không có ý nghĩa gì khi một mặt hàng vẫn còn có doanh nghiệp thống lĩnh, nắm 50% thị phần”. Doanh nghiệp chỉ tự quyết giá khi mặt hàng này không có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

“Ở đây, phương án “Nhà nước chỉ đưa ra các yếu tố cấu thành giá” chính là giá Nhà nước định hướng ban đầu, nhưng không nói rõ. Và giá định hướng hoàn toàn không có tính pháp lý. Cách đây hơn 20 năm đã có giá định hướng đối với mặt hàng xăng dầu nhưng không khả thi, Nhà nước sau đó mới có công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo giá trần như hiện nay, giá doanh nghiệp bán ra không cao hơn giá liên bộ công bố”, ông Long chia sẻ.

Theo ông Long, quy định doanh nghiệp muốn bán giá nào lại trình cho liên bộ, chỉ là hình thức thay vì cơ quan quản lý tính giá cơ sở xăng dầu như trước, nay để doanh nghiệp đầu mối tính. Về bản chất, giá định hướng của Nhà nước cũng chính là giá cơ sở, nhưng giá cơ sở thì doanh nghiệp bắt buộc phải tuân theo, giá định hướng không rõ ràng, việc tuân theo hay không là quyền của doanh nghiệp.

“Một mặt hàng đặc biệt như xăng dầu mà trao quyền vào tay doanh nghiệp thống lĩnh thị trường ra giá bán thì khó thuyết phục và nghiêm trọng hơn, làm như vậy là sai thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường. Cơ chế quản lý giá của Nhà nước trong kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của loại hình thị trường đó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan Nhà nước hay của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường được”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá

    Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá

    04:00, 05/01/2023

  • Năm 2022 “đặc biệt” với xăng dầu và thịt lợn

    Năm 2022 “đặc biệt” với xăng dầu và thịt lợn

    04:30, 26/12/2022

  • Bị phạt do kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hạn, CMV kinh doanh ra sao?

    Bị phạt do kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hạn, CMV kinh doanh ra sao?

    14:00, 21/12/2022

  • Hạn chế tầng nấc kinh doanh xăng dầu

    Hạn chế tầng nấc kinh doanh xăng dầu

    03:00, 20/12/2022

  • Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu

    Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu

    04:00, 16/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO