Chắn chắn Washington sẽ không dừng lại ở ZTE và Huawei, trong khi đó đòn đáp trả của Bắc Kinh dường như chưa đủ mạnh để gây ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ
Đa số các thuật ngữ kinh tế - nếu không được hiểu theo nghĩa hàn lâm sẽ rơi vào đánh giá mang tính chủ quan, dẫn đến các dự báo không chính xác, lúc đó hệ quả không chỉ ở khía cạnh học thuật.
Cách đây mấy thập kỷ, từng có nhận định chủ nghĩa tư bản đang “giãy chết”, nhưng không phải, cứ sau một đợt khủng hoảng kinh tế tư bản lại nhảy lên nấc thang cao hơn, thích ứng nhanh hơn trong mọi điều kiện.
Chủ nghĩa tư bản ngày nay không còn là chính nó cách đây 2 thập kỷ, nhưng quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa tư bản dường như chưa theo kịp…! Dự báo ấy nói thẳng ra là đã lỗi thời. Đó chỉ là một trong những trường hợp.
Sau 9 tháng Trung Quốc bị lôi vào chiến tranh thương mại với Mỹ, một vài con số thống kê cho thấy kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng hùng dũng như trước, lập tức xuất hiện đánh giá “kinh tế Trung Quốc đang đi xuống”.
Đúng ra, một nền kinh tế gọi là “đi xuống” nếu mức tăng trưởng không vượt qua khỏi con số 0, tức là tăng trưởng âm, tình hình lúc này rất tồi tệ: giá tiêu dùng tăng vọt, khan hiếm tiền mặt, mất điểm chứng khoán, vỡ nợ quốc tế…
Có thể hình dung rõ hơn đó là “suy thoái kinh tế” (ecession/economic downturn) được định nghĩa trong Kinh tế học vĩ mô là sự suy giảm của Tổng sản phẩm quốc nội thực trong thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp trong năm.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 01/11/2018
07:27, 21/10/2018
09:30, 19/01/2018
06:30, 08/01/2018
Trong khi đó kinh tế Trung Quốc đang được nhận định “đi xuống” khi tăng trưởng hết quý III/2018 là 6,6%, gấp gần 3 lần Mỹ, gần gấp đôi Châu Âu (!?) Con số 6,6% trong khối GDP khổng lồ 12,5 ngàn tỷ USD là rất có giá trị.
Thêm một con số cho thấy doanh nghiệp nước này đang có niềm tin vào kinh tế nội địa - khi đầu tư tài sản cố định tăng 5,9% so với đầu năm, nhỉnh hơn so với dự báo.
Trong một nền kinh tế, chỉ số đầu tư vào tài sản cố định là thước đo rất chuẩn cho thấy sự tin tưởng vào tương lai tăng trưởng và khả điều tiết kinh tế vĩ mô của nhà nước.
Vì đầu tư vào lĩnh vực này có chu kỳ xoay vòng vốn rất chậm, đây là đầu tư dài hạn, không ai dại dột “đâm đầu” khi có ý định kinh doanh ngắn hạn cả! Và cũng không ai ngây ngô rót vốn vào lĩnh vực này nếu như nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng âm.
Tài sản cố định bao gồm nhiều dạng như “vô hình” và “hữu hình”, “cho thuê tài chính”…tức là những loại hình có tính vững bền cao, có giá trị lớn và dùng được vào nhiều chu kì sản xuất.
Vì vậy, đầu tư tài sản cố định thông thường cần lượng tiền rất lớn và cực lớn điều này cho phép suy ra sự dồi dào của hệ thống tài chính mà cụ thể ở đây là các ngân hàng.
Nói về lĩnh vực ngân hàng, thống kê cho thấy 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thế giới có 4 đại diện đến từ Trung Quốc - đều là những “siêu ngân hàng” có khả năng vươn vòi ra khắp nơi “nâng đỡ” BRI, Made in China 2025…
Có thể thấy rằng, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc chứ không phải đi xuống, dĩ nhiên kinh tế giảm tốc cũng có mặt lợi, giảm nguy cơ tăng trưởng “nóng” kéo theo “bong bóng” bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng…
Nếu quy GDP về PPP thì Trung Quốc đã vượt Mỹ về quy mô nền kinh tế cách đây 1 năm. Cố nhiên, đẳng cấp, tính bền vững, chiều sâu của hai nền kinh tế này chưa bao giờ đứng ngang nhau.
Nhật Bản là bài học, kinh tế tăng trưởng quá “nóng”, 10%, có năm 16% trong 30 năm liên tiếp rồi sụp một cách bất ngờ - rơi vào tăng trưởng âm, trì trệ suốt 20 năm để lại quá nhiều hệ lụy.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất của một nền kinh tế luôn bắt đầu bằng giảm tăng trưởng GDP - bất kể nền kinh tế đó lớn hay nhỏ. Vài chỉ số của kinh tế Trung Quốc đang cho thấy họ đã “thấm đòn” chiến tranh thương mại.
Washington chưa có dấu hiệu “buông tha” tấn công kinh tế Trung Quốc, chiến tranh thương mại là khái niệm quá vĩ mô nhưng rất dễ thu hút sự quan tâm, còn những cú đánh lẻ tẻ trực diện hơn nhằm vào ZTE, Huawei…dường như ít được chú ý, song đó mới là thứ đáng ngại.
“Chiến lược Navarro” là khái niệm chống Trung Quốc mới ra đời sau khi giáo sư Peter Navarro viết cuốn sách “Death by China” - tạm dịch: “Chết bởi Trung Quốc”, trong đó tác giả kêu gọi tiêu diệt “con rồng quái vật”.
ZTE và Huawei là những “nanh vuốt” của “con rồng” cần được bẻ gãy, thực tế Washington đã xuống đòn. Kinh tế Trung Quốc hùng mạnh nhờ những tập đoàn lớn có bóng dang bảo hộ như ZTE, Huawei, Alibaba, Sinopec, Bank of China…
Việc Mỹ ép Canada bắt giám đốc tài chính của Huawei nhằm củng cố thêm hồ sơ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ - nguyên nhân được ông Trump cho là gây tổn hại và phải trừng phạt.
Cần nói thêm rằng, Huawei đã trở thành “siêu công ty” công nghệ, doanh thu 92 tỷ năm 2017, bán sản phẩm ở 170 nước, nhưng không được niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt hầu như không có thị phần tại Mỹ. Rõ ràng, không đơn giản để Washington tìm ra manh mối nếu không phanh phui vi phạm tài chính.
Tất cả những điều này có liên quan mật thiết làm giảm tốc kinh tế Trung Quốc, đó là “chiến lợi phẩm” đầu tiên của ông Trump(?).
Chắn chắn Washington sẽ không dừng lại ở ZTE và Huawei, trong khi đó đòn đáp trả của Bắc Kinh dường như chưa đủ mạnh để gây ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ. Đó là lý do để tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong thời gian tới, và kịch bản “đi xuống” hoàn toàn có thể.