Kon Tum đang vạch ra những giải pháp rõ ràng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ưu tiên ở một số lĩnh vực thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
>>Chuyển đổi số trong ngành logistics ở Tây Nguyên
Nghị quyết 09-NQ/TU của của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được coi là bản lề để đưa ra những giải pháp tích cực. Địa phương đã đưa ra 35 nền tảng và được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Ngoài các cơ quan nhà nước, thì khối doanh nghiệp công nghệ thông tin được đặt nhiều hy vọng để tìm những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.
Đến nay, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tỉnh Kon Tum ở mức thấp so với cả nước. Tiến độ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh và chuyển đổi số của một ngành, lĩnh vực còn chậm. Việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tuy nhiên một điểm ưu của tỉnh Kon Tum đó là hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 97,7% số thôn được phủ sóng 4G với 1.153 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất với 8.120km cáp quang.
Để bắt kịp xu hướng công nghệ 4.0 nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bắt tay vào tự thực hiện chuyển đổi số ở một số khâu cơ bản. Ông Đặng Công Kiên - Giám đốc HTX Kiên Thảo Phát nói “chúng tôi đang liên kết với nông dân sản xuất hơn 20 sản phẩm nông nghiệp sạch như chuối sấy, măng sấy, mít sấy, trà thảo mộc, tiêu, mật ong. Toàn bộ quá trình sản xuất đều được ghi bằng nhật ký điện tử để khách hàng dễ dàng truy xuất, tạo niềm tin cho khách hàng”.
Đối với Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, đơn vị có các vườn sâm được trồng trên đỉnh núi Măng Ri quản lý theo công nghệ 4.0. Ngoài ra còn một số thiết bị phụ trợ đo nhiệt độ, độ ẩm và dinh dưỡng. Điều này dễ dàng cho việc quản lý vườn sâm, giảm phụ thuộc vào nhân lực.
Điều này cho thấy một số doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum đã tham gia mạnh mẽ vào chuyển đổi số, thương mại điện tử như là Công ty Cổ phần sâm Ngọc linh Kon Tum, Công ty Cà phê Đắk Uy, Cơ sở kinh doanh và sản xuất Nhật Trường.
>>Các nhóm giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp
Tính đến đến cuối tháng 8, địa phương có 2.651 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử có hơn 15.383 gia dịch. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của địa phương. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%. Phấn đấu 80% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Trương Lê Mãnh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum “Tuỳ vào vốn và nhu cầu cụ thể, một số doanh nghiệp cũng đã áp dụng chuyển đổi số từng bước đi đến hoàn thiện trong tương lai. Đây là xu thế chung khi hội nhập thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên cái thiếu nhất là người làm trong ngành công nghệ thông tin, phục vụ chuyển đổi số”.
Hiểu được trăn trở của doanh nghiệp, của xã hội, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban chuyển đổi số của tỉnh Kon Tum, bà Y Ngọc nêu “mặc dù đạt được kết quả khả quan, nhưng chúng ta cần nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Sự quyết liệt hơn nữa của các địa phương, sở, ban ngành mới đem lại hiệu quả rõ rệt trong tương lai, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số có hiệu quả”.
Kon Tum đang từng bước cho thấy rõ quyết tâm chuyển đổi số. Không chỉ chính quyền, doanh nghiệp được hưởng lợi mà cả người dân cũng dễ dàng bán sản phẩm của mình trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Một nền kinh tế số đang bắt đầu từ những việc làm hôm nay.
Có thể bạn quan tâm
Đắk Lắk: Đặt mục tiêu phát triển kinh tế số
00:06, 23/09/2023
Tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế số
00:07, 17/09/2023
Công bố định kỳ tỷ trọng kinh tế số trong GDP hàng quý
00:06, 17/09/2023
Gia Lai: Phát triển hạ tầng, đón đầu kinh tế số
00:30, 27/09/2023
Hệ sinh thái số giúp đổi mới quản trị doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế số
00:01, 16/09/2023