Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên mới nổi cùng vận hành hệ thống KRX tiếp tục nóng lên khi FTSE Russell ra thông báo mới đây...
>>>Cá nhân dẫn dắt thị trường, kỳ vọng dòng tiền khối ngoại ra sao?
Đây được xem là những thông tin có tính nâng đỡ thị trường trong thời gian này với những kỳ vọng lớn, dài hơi.
Ông Phạm Hoàng Quang Kiệt - Phó Phòng Phân tích CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản (FIDT) - chia sẻ, thực tế nâng hạng thị trường là chủ đề đã được đề cập những năm qua. Nhưng đây vẫn sẽ là chủ đề lớn của chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn nhiều năm tới đây.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào Nhóm 3 - Thị Trường Cận Biên (Frontier Markets). Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị Trường Mới Nổi (Emerging Markets) (trước ngày 5/3).
“Hiện tại, câu chuyện nâng hạng đang được các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm và quyết tâm phấn đấu đạt được. Trong chiến lược tổng thể về phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2025, mục tiêu của Chính phủ hướng đến là đưa Việt Nam nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Đến nay, có thể ghi nhận đã có nhiều tiến triển mới cho hành trình nâng hạng của chứng khoán Việt Nam”, ông Kiệt chia sẻ.
Về KRX, có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của KRX đối với nâng hạng TTCK. Tuy không trực tiếp thay đổi để đảm bảo thị trường đạt các tiêu chí, đặc biệt là 2 tiêu chí vẫn còn đang là vấn đề của thị trường liên quan đến thanh toán và sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng KRX về bản chất hệ thống giúp cải thiện nền tảng kỹ thuật. Theo đó, ông Kiệt cho rằng đây là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng của TTCK Việt Nam, qua đó giúp thị trường đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng của các tổ chức xếp hạng thế giới.
>>>Việt Nam - Hàn Quốc: Tăng cường quan hệ hợp tác trên thị trường tài chính
Hiện nay, được biết các công việc thử nghiệm hệ thống đang vào giao đoạn thử nghiệm đồng bộ với các bên liên quan, kế hoạch diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1 sẽ được diễn ra từ ngày 04/03-15/03.
“Song song đó, các quan chức, bộ phận quản lý liên quan đến KRX cũng liên tục tham gia các buổi hợp tác hỗ trợ phát triển thị trường, điển hình là chuyến đi của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBCK Nhà nước Vũ Thị Chân Phương tới Hàn Quốc vào ngày 7/3 vừa qua”, ông Kiệt nhất mạnh.
Trong thời gian mới đây, việc HoSE xuất hiện tình trạng “nghẽn lệnh”, mà HoSE cho rằng do một số CTCK bị chậm kết nối, thực tế theo các chuyên gia, cũng là động lực/ sức ép để KRX phải sớm được đi vào vận hành. Việt Nam hiện đang nỗ lực xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vốn nước ngoài FII vào chứng khoán, qua đó tiếp tục thúc đẩy thị trường hướng đến các mục tiêu mới, thì nền tảng hạ tầng - trong đó KRX là “chìa khóa” để đảm bảo thị trường tăng quy mô vốn hóa qua đáp ứng tăng quy mô, khối lượng giao dịch; cũng như tăng phát triển các sản phẩm phát sinh, là cần thiết để thực hiện các yêu cầu này, làm "nặng kí" hơn khả năng nâng hạng.
Tại sự kiện về phát triển TTCK bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa qua, ông Johan Nyvene, Chủ tịch CTCK HSC cũng chia sẻ một trong những điều kiện tiên quyết để TTCK sớm nâng hạng, đó là sự phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm.
“Thị trường cần có hạ tầng phát triển, bao gồm hệ thống giao dịch, các dịch vụ tài chính phái sinh và các công cụ hỗ trợ khác để hỗ trợ các hoạt động giao dịch. Việc hoàn thành cài đặt hệ thống KRX và triển khai các tính năng tích hợp với thanh toán bù trừ sẽ giúp thị trường Việt Nam đáp ứng tiêu chí này. Hệ thống KRX đã được tiến hành kiểm thử nhiều đợt và đa phần các công ty chứng khoán dã đáp ứng được các kịch bản kiểm thử”, Chủ tịch HSC cho biết.
"Chúng tôi kỳ vọng bước đầu các chức năng thanh toán cơ bản của KRX sẽ sớm được kích hoạt và có thể đưa hệ thống KRX vào vận hành. Tuy nhiên các chức năng khác của hệ thống hạ tầng bao gồm chức năng lưu ký, thanh toán bù trừ, v.v. sẽ còn cần thêm thời gian cho các sở giao dịch cài đặt và kiểm thử với các thành viên thị trường và nhất là đối với Tổng Công Ty Lưu Ký Bù Trừ. Sự phát triển các sản phẩm tài chính mới cũng sẽ đi song hành với sự phát triển của hạ tầng công nghệ cũng như hệ thống thanh toán chung, sẽ đa dạng hóa sản phẩm tài chính và dịch vụ giao dịch để thu hút thêm các nhà đầu tư và tăng cường hoạt động giao dịch trên thị trường”, ông Johan Nyvene nói thêm.
Mặc dù vẫn “bị” xem là một thị trường cận biên (Frontier Market) bởi các tổ chức xếp hạng thị trường trên thế giới, qua những năm gần đây TTCK Việt Nam đã được đánh giá rất tích cực từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và được các nhà đầu tư này so sánh ngang tầm với một số TTCK khác trong hạng mục thị trường mới nổi (Emerging Market).
"Điều này đã được thể hiện qua việc một số quỹ đầu tư nước ngoài thường chỉ chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi cũng đã bắt đầu tìm hiểu và đầu tư vào TTCK Việt Nam. Trong giai đoạn gần đây, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động kinh tế cũng như chính trị, giới đầu tư toàn cầu trong nhiều lĩnh vực đã thể hiện sự quan tâm nhiều đến Việt Nam...
Qua một số cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đã phản hồi là họ nhận thấy các cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam như Bộ Tài Chính và UBCKNN đã thể hiện nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn và giải pháp trước mắt có thể triển khai để có thể giúp đưa TTCK Việt Nam lên một chuẩn mực cao hơn, nhất là với định hướng giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng vào nhóm thị trường mới nổi", ông Johan Nyvene - Chủ tịch HSC - cho biết.
Đối với việc nâng hạng thị trường, một tin rất vui với nhiều nhà đầu tư trên thị trường là ngày 5/3 vừa qua, FTSE ra thông báo với nội dung thị trường chứng khoán Việt Nam khả năng được phân loại lại từ thị trường cận biên (Frontier Markets) sang thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Markets) sau khi được đưa vào diện theo dõi trước đó.
Chúng tôi đánh giá triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam đang ngày càng mở ra với động lực đến từ sự đốc thúc của Chính phủ và sự khẩn trương của toàn bộ bộ máy vận hành.
Trong trường hợp tích cực, Việt Nam khả năng sẽ được FTSE Russell chính thức thăng hạng vào tháng 9/2024. Thị trường chứng khoán Việt Nam một khi được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi (thứ cấp), chắc sẽ đẩy mạnh vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội mới và dòng vốn lớn đến từ nhà đầu nước ngoài trong thời gian tới” , ông Phạm Hoàng Quang Kiệt - Phó Phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty FIDT - nhận định.