Từ năm 2010, Nghệ An đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tính đến năm 2020 nhưng 7 năm qua, các mô hình, quy hoạch vùng về lĩnh vực này chưa thực sự hiệu quả. Điều này cũng nói lên cách làm, hướng đi mà Nghệ An đặt ra đang có nhiều vấn đề cần phải xác định, đánh giá lại một cách toàn diện.
Xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng toàn diện, hiện đại đang được Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ đối với các tỉnh, thành trên cả nước. Quan điểm của Chính phủ cũng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi để các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân…tham gia nuôi trồng, xây dựng chuỗi liên kết nâng tầm chất lượng và bao tiêu sản phẩm.
Chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn?
Xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng toàn diện, hiện đại đang được Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ đối với các tỉnh, thành trên cả nước. Quan điểm của Chính phủ cũng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi để các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân…tham gia nuôi trồng, xây dựng chuỗi liên kết nâng tầm chất lượng và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, khi thực hiện, ngoại trừ các tỉnh, thành phố có “bề dày” về kinh nghiệm và thành công khi phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC như Đà Lạt, Sơn La…thì nhiều địa phương vẫn còn phải loay hoay tìm giải pháp.
Ngay như ở Nghệ An, mặc dù là tỉnh có quỹ đất nông nghiệp lớn, đa dạng về các vùng tiểu khí hậu để sản xuất, nuôi trồng cây, con là sản phẩm đặc sản của địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Ông Phan Nguyên Hùng – Trưởng phòng kế hoạch và tài chính (Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An) cho rằng: “Khó khăn lớn nhất để nhân rộng và phát triển các mô hình, vùng miền sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của Nghệ An đó là nguồn vốn đầu tư. So với các tỉnh khác, Nghệ An cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng nhưng nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này rất thiếu.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để tham gia vào lĩnh vực này chưa thu hút được. Hay nói cách khác đó là nếu tập trung phát triển ở miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, nơi có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC thì doanh nghiệp rất khó thu hút được đội ngũ kỹ sư, chuyên gia giỏi. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay thì đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao rất cần thiết”.
Ông Phan Nguyên Hùng cũng cho biết thêm là việc ban hành chính sách ưu tiên nguồn vốn, chính sách cho nông nghiệp ứng dụng CNC ở Nghệ An vẫn còn gặp khó vì thực tế Luật Công cao nghệ ra đời từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định hay Thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Điều này cũng khiến cho các địa phương khó ban hành văn bản, chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp CNC.
Thực trạng này không chỉ ở Nghệ An mà các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước đang gặp phải.
Được biết, từ năm 2010, Nghệ An cũng đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tính đến năm 2020. Năm 2014, đề án phát triển cây, con chủ yếu, gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng được ban hành.
Thế nhưng, việc triển khai đề án này đến nay cũng chỉ mang tính chung chung, chưa thực sự đi vào thực tiễn được nhiều. Có chăng cũng chỉ thành công ở khâu tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng, miền…rất khiêm tốn.
Khởi sắc hy vọng từ doanh nghiệp?
Từ tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thủ tướng cũng giao cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan phải xây dựng được 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đó có 8 khu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp đến, ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định 66/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn cả nước.
Dựa vào các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/1/2018, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định 14 về việc phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Nghệ An xác định đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 5-7% diện tích canh tác đất nông nghiệp ứng dụng CNC; quy hoạch 20-25 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 7.687ha cho ra các sản phẩm chủ lực gồm: Rau, lúa, lạc, chè, mía, cây ăn quả, cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp, bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gia cầm và nuôi tôm thẻ chân trắng; Hình thành 1 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung tại huyện Nghĩa Đàn với quy mô 200ha; Có từ 1-2 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp CNC.
Nghệ An cũng đưa ra 10 giải pháp để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong thời gian tới như: kêu gọi, xúc tiến đầu tư, xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính tham gia vào các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục, tiềm năng, thị trường, đối tác…
Và, để thực hiện thành công quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, Nghệ An cũng cần khoảng gần 3.5 nghìn tỷ để triển khai.
Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết, trong 10 giải pháp triển khai cho nông nghiệp ứng dụng CNC thì địa phương đặc biệt coi trọng tiềm năng đầu tư từ doanh nghiệp. Về giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước…Nghệ An có thể khắc phục được. Nhưng để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này thì cũng không phải là vấn đề dễ tìm ra lời giải.
Nói cách khác, ngành nông nghiệp ứng dụng CNC có khởi sắc hay không thì doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quyết định rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề vẫn nằm ở cơ chế chính sách của địa phương có kịp thời tháo gỡ nhằm tạo ra môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư cũng không kém phần quan trọng để đi đến thành công.
Kỳ cuối: Lấy doanh nghiệp là trung tâm thu hút các vệ tinh