Khởi nghiệp với bánh tráng mè đen, anh Đinh Công Việt (Quảng Nam) đã quyết tâm đầu tư mô hình sản xuất mang doanh thu gần trăm triệu mỗi tháng.
>>Khởi nghiệp từ sản phẩm quê hương
Tốt nghiệp trường Đại học Duy Tân với tấm bằng kĩ sư xây dựng, anh Đinh Công Việt (sinh năm 1985, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã làm việc tại nhiều công ty xây dựng. Tuy nhiên, với mong muốn duy trì, phát triển nghề tráng bánh tráng mè đen của gia đình anh đã quyết định nghỉ việc, về quê phát triển nghề làm bánh và tạo việc làm cho người địa phương.
Bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình vào năm 2020, anh Việt tiếp quản lại xưởng làm bánh tráng mè đen của người nhà. Tuy nhiên, sản xuất thô sơ không mang lại hiệu quả kinh tế, số lượng sản phẩm cho ra thị trường chưa đáp ứng được về số lượng.
Vì vậy, anh Việt đã quyết định bỏ tiền ra đầu tư công nghệ dây chuyền tráng bánh nhằm tăng năng suất sản xuất của cơ sở thay vì thực hiện tráng bánh thủ công như trước. Hành trình khởi nghiệp từ nền móng có sẵn tưởng như đơn giản nhưng cũng đã “ngốn” của kỹ sư xây dựng này hơn 1 tỉ đồng.
“Số vốn ban đầu bỏ mình ra đến nay là khoảng chừng 800 triệu đồng, đầu tư về các loại máy móc, máy nướng, máy ra bánh, máy sấy, xây dựng kho bãi, xây phơi. Đến nay ước tính giá trị cơ sở mình hiện bây giờ đã đầu tư trên 1,2 tỉ đồng và vẫn đang tiếp tục được mở rộng”, anh Việt chia sẻ.
Số tiền đầu tư lớn, tuy nhiên cách vận hành chưa thành thục khiến anh Việt gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Ngay từ ban đầu,việc chuyển đổi phương thức sản xuất bánh tráng thủ công sang áp dụng công nghệ khiến người lao động gặp khó. Vừa làm vừa hướng dẫn cho nhân công tốn nhiều thời gian nhưng thiếu hiệu quả.
Chưa kể đến, từ xây dựng qua sản xuất, anh Việt cũng mất một năm để có thể tìm được thị trường tiêu thụ và hoàn thiện được sản phẩm tốt để đưa ra thị trường. Thực tế đã có nhiều sản phẩm về bánh tráng do nhiều làng nghề đã làm trước dẫn đến bất lợi trong cạnh tranh, tuy nhiên người đàn ông này vẫn không bỏ cuộc.
“Lần đầu áp dụng công nghệ dây chuyền vào sản xuất nên rất khó để cho ra sản phẩm ổn định, từ độ dày mỏng cũng như vị bánh, độ xốp. Những mẻ đầu tiên không đạt chất lượng phải bỏ khiến 1 tấn gạo trở thành sản phẩm thử nghiệm”, anh Việt nói.
Nhờ sự động viên, hỗ trợ về tinh thần và vật chất của gia đình, anh Việt kiên trì tìm hiểu, thường xuyên thay đổi, cải tiến sản phẩm gồm bánh tráng mè đen sống, bánh tráng mè đen nướng. Đến nay, cơ sở sản xuất bánh Thuận An đã hoàn thiện sản phẩm, mang đến thị trường những sản phẩm đáp ứng đủ chất lượng và số lượng.
Doanh thu của cơ sở cũng đang từng ngày được cải thiện, ước tính mỗi ngày xưởng của anh Việt cho ra thị trường từ 2000-3000 sản phẩm. Trung bình doanh thu mỗi tháng mang về từ 70-80 triệu đồng. Để tạo việc làm cho người dân địa phương, cơ sở sản xuất của anh Việt đã tuyển dụng 6 nhân công làm việc thường xuyên với mức lương ổn định từ 260.000-300.000 đồng/ngày.
Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở sản xuất bánh tráng Thuận An mở rộng từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Thành phố Hồ Chí Minh. Nói về định hướng tương lai, anh Việt đang phấn đấu nâng số lượng sản phẩm bán ra được hơn gấp 3 lần và tiếp tục mở rộng thị trường. Để đạt được mục tiêu, vị kỹ sư “U40” này sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào hệ thống máy móc, nhà xưởng, để đáp ứng được nhu cầu cao nhất của thị trường.
“Đồng thời, cơ sở sản xuất bánh tráng Thuận An sắp tới sẽ phát triển thêm một số mẫu sản phẩm mới như bánh tráng dừa, bánh tráng cuốn,... để đa dạng sản phẩm tung ra thị trường. Từ việc mở rộng sản xuất, hy vọng cơ sở sẽ tạo được thêm nhiều công việc cho ngươi dân địa phương”, anh Việt nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp xanh để phát triển bền vững
14:36, 22/03/2024
Khởi động bình chọn “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024”
16:56, 21/03/2024
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Nền tảng phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia
01:26, 20/03/2024
Đổi mới sáng tạo bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam
17:05, 18/03/2024