Giữa lúc phương Tây chia rẽ sâu sắc, Nga - Trung - Mỹ còn quá nhiều bất đồng, thì liệu 48 giờ ít ỏi ở Argentina có làm nên điều kỳ diệu?
Thành phố Buenos Aires - Argentina đang cấp tập đón 20 nguyên thủ đại diện 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đến dự Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày (30/11 và 1/12).
Thành phố xinh đẹp, hiện đại và yên bình bên bờ Vịnh La Plata mất đi hòa khí thường thấy, bầu không khí căng thẳng khi an ninh được thắt chặt, các cửa ngõ dường như đóng lại, người dân thủ đô được nghỉ làm 2 ngày và được khuyên rời khỏi thành phố tránh những rắc rối không đáng có.
Mọi chuyến bay qua bầu trời thành phố, xe lửa, tàu điện ngầm và phương tiện công cộng khác tạm ngưng hoạt động, trong khi các nhà lãnh đạo buông rèm nhiếp chính. Nhưng sức “nóng” không chỉ ở ngoài những con phố!
Hội nghị G20 kỳ này đang phả vào phần còn lại của thế giới nỗi âu lo chưa từng thấy, khi các thành viên tìm cách kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các thị trường tài chính và hàng hóa trên khắp thế giới đang dõi theo hội nghị này. Sức ảnh hưởng tiêu cực có thể lan ra khắp năm châu nếu các siêu cường chưa chịu “bắt tay” nhau sau cánh gà.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 20/11/2018
06:15, 10/07/2017
11:30, 29/11/2018
11:01, 28/11/2018
Quan trọng nhất và không thể không đề cập đến là cuộc gặp song phương Mỹ- Trung. Nhà trắng đã lên đạn và chĩa nòng súng về phía sợi dây đang treo lơ lửng một gói thuế 267 tỷ USD.
Chỉ một sơ suất nhỏ nào đó cũng có thể kéo bức màn khép lại hy vọng tươi sáng về kinh tế thế giới năm 2019. Có lẽ mọi người sẽ biết chiến tranh thương mại Mỹ- Trung hệ trọng như thế nào, nếu thấy con số thiệt hại 500 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2018.
Tổng số tiền nói trên lớn hơn 2 lần quy mô nền kinh tế Việt Nam, bằng GDP của một nước tầm trung ở châu Âu và rất nhiều nước châu Phi cộng lại mới có thể đạt đủ con số này. Tuy nhiên, đó mới chỉ là định lượng nhanh, phản ánh bề nổi.
Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần đàm phán nhưng thất bại, lý lẽ của Washington vẫn thế, đòi công bằng thương mại và chấm dứt đánh cắp sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh dường như phớt lờ yêu cầu này, mấy tháng nay Trung Nam Hải không bình luận gì nhiều về đòi hỏi của ông Trump - những gì họ cho thấy là đều đặn phát đi cảnh báo, như một cách lôi kéo “bên thứ ba”(!?).
Chỉ vài ngày trước khi Hội nghị G20 khai mạc, Moscow đi nước cờ khó đoán, chặn bắt tàu của Ukraine trên eo biển Kerch, hâm “nóng” tình hình Crimea khiến Kiev ban bố tình trạng thiết quân luật, Đông Âu trong chiến lược hướng Đông của NATO bỗng dưng hỗn loạn.
Chẳng ai có thể trả lời chính xác vì sao Putin chọn thời điểm này để ra đòn với Ukraine, nhưng nếu ráp nối sự kiện này với Hội nghị G20 thì không khó để thấy ý đồ xuất phát từ điện Kremlin. Đó là: Tung hỏa mù với ông Trump ở Buenos Aires!
Đó cũng là công việc nặng nề khiến Washington thêm mệt mỏi với một Trung Quốc điềm tĩnh nhưng túc kế đa mưu. Đáng nói, thời gian qua Nga và Trung Quốc dường như đã thiết lập liên minh chống Mỹ - về quân sự, kinh tế, tài chính đều có những bước đi thắt chặt.
Hội nghị G20 lần này còn là nơi tìm kiếm tiếng nói chung giữa các cường quốc về vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea - in chắc chắn sẽ tham luận tại Hội nghị dưới sự chứng kiến của ông Trump và ông Tập Cận Bình.
Cần nói thêm, tiến trình giải trừ hạt nhân và hòa bình liên Triều dường như tạm lắng xuống khi Mỹ và Trung Quốc bận bịu với các vấn đề kinh tế, thương mại. Song tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể căng thẳng trở lại bất cứ lúc nào, chỉ bởi một tuyên bố bất thình lình nào đó của Trump hay Kim Jong-un.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đòi cải cách WTO - đó lại là sự chỉ trích gián tiếp hướng về Trung Quốc khi mà nước này luôn hô hào lớn nhất về tự do thương mại nhưng luôn là nền kinh tế có mức độ bảo hộ cao nhất thế giới.
Theo thống kê của WTO, thuế suất trung bình mà Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 9,6%, cao hơn nhiều so với mức 5,3% tại EU và mức 3,5% tại Mỹ. Dĩ nhiên EU không thích điều này.
Thượng đỉnh G20 năm nay được cho là một trong những hội nghị quan trọng nhất kể từ năm 2008 khi có quá nhiều vấn đề hệ trọng cần có tiếng nói chung. Bởi vậy, có thể sẽ có nhiều điều kỳ diệu đang chờ ở phía trước.