Mặc dù tỷ giá được dự báo tiếp tục “hạ nhiệt”, tạo thuận lợi cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng, song lãi vay dự báo khó giảm thêm.
Nhiều chuyên gia dự báo FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới, và sau đó liên tục cắt giảm lãi suất cho đến cuộc họp tháng 3/2025.
FED và thuận lợi tỷ giá
Trong cuộc họp tại Jackson Hole vào cuối tuần qua, thông điệp của FED mà cả thế giới ngóng đợi là “thời gian cho sự đảo chiều chính sách tiền tệ đã đến”. Theo đó, Chủ tịch FED Powell đã xác nhận về sự đảo chiều chính sách tiền tệ, sau chu kỳ thắt chặt tiền tệ trong gần 2 năm qua. “Chúng tôi không mong đợi tín hiệu thiếu ‘sức khỏe’ thị trường lao động, và đó chính là lý do chính cho việc giảm lãi suất”, ông Powell nói, đồng thời xác nhận xu hướng lạm phát Mỹ trung hạn xác suất cao sẽ về vùng mục tiêu 2%, nên nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe nền kinh tế sẽ được ưu tiên hơn.
Trưởng khối phân tích FIDT, ông Đoàn Minh Tuấn nhận định, kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED đã rõ ràng, đặc biệt qua cuộc họp lần này. Theo đó, việc FED đảo chiều chính sách tiền tệ từ tháng 9 tới sẽ mở ra cơ hội lớn vượt đỉnh đối với các nền kinh tế và thị trường đầu tư. Đặc biệt, các thị trường Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đã trải qua hơn 2 năm dưới áp lực rủi ro tỷ giá. Hiện tại, khi chính sách thắt chặt tiền tệ FED đảo chiều, đồng nghĩa rủi ro tỷ giá trung hạn chấm dứt. Bên cạnh đó, các rủi ro liên quan carry-trade đồng Yên Nhật Bản, rủi ro về suy thoái kinh tế Mỹ với mức độ nhẹ, rủi ro lạm phát cũng tạm thời chấm dứt.
“Có thể kỳ vọng FED sẽ liên tục các giảm lãi suất trong các cuộc họp đến tháng 3/2025. Điều kiện thanh khoản USD toàn cầu cải thiện nhanh chóng theo triển vọng lãi suất FED, sẽ giúp USD index giảm rất mạnh trong ngắn hạn, gia tăng kỳ vọng giảm áp lực tỷ giá USD/VND. Và điều này cũng sẽ tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng, hỗ trợ tăng trưởng”, ông Tuấn nhận xét.
NHNN bật chế độ “nới lỏng” hơn
Ở trong nước, sau khi tỷ giá có tín hiệu đã bắt đầu “thẩm thấu” các chính sách can thiệp của NHNN, áp lực cung ngoại tệ phục vụ cho nhập khẩu vàng giảm bớt, thị trường ghi nhận nguyên “tháng Ngâu” NHNN không phải bán ngoại tệ can thiệp cung, thì tỷ giá cũng đã ổn định ở biên độ dưới 4,3%. NHNN đã bật chế độ nới lỏng khi ngày 5/8 vừa qua quyết định hạ công cụ lãi suất trên thị trường OMO.
Tiếp đó, trong phiên giao dịch ngày 20/8, NHNN tiếp tục giảm lãi suất tín phiếu xuống 4,2%/năm, đánh dấu lần thứ 2 kể từ đầu tháng 8/2024 NHNN giảm lãi suất tín phiếu. Cùng với đó, nhà điều hành tiếp tục động thái bơm ròng nhằm hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn với chi phí thấp hơn cho hệ thống. Các động thái của nhà điều hành cũng đã trực tiếp kéo lãi suất vay mượn kỳ hạn chủ chốt giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng về mức thấp (4,3%/năm).
TCTD vẫn phấn đấu giảm lãi suất
Các TCTD đều cho rằng chỉ cần lãi suất điều hành ổn định, họ có thể cân đối nguồn vốn ở mức phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian còn lại của năm, trong đó có mục tiêu “chạy” hết hạn mức tín dụng được giao, cũng như phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Dù vậy, các nhà băng cũng cho rằng khó giảm lãi suất cho vay sâu hơn. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc NHTM Bản Việt (BVBank) cho biết đến cuối tháng 9, ngân hàng có thể đạt dư nợ cho vay hơn 9% và dự kiến theo tiến độ, hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng tín dụng với các khoản cho vay chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông, bản thân các ngân hàng cũng phải trả lãi cho người gửi và cân đối nguồn vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Do đó, với vốn huy động có lãi suất cao mà ngân hàng đã huy động thời gian qua, thì nay vẫn phải giữ một mặt bằng lãi suất ổn định hoặc theo xu hướng cao hơn để giữ không mất chênh lệch giữa huy động - cho vay. Đó là chưa kể đến phải đáp ứng nhu cầu vốn dự kiến đa dạng và tăng cao hơn của nền kinh tế giai đoạn cuối năm. Nói cách khác, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm sâu hơn nữa, sau khi các NHTM nói chung đã giảm khoảng giảm 0,96% so cuối năm 2023.
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng, trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát vừa phải và tiền đồng yếu đi so với USD, NHNN có thể sẽ thuận lợi hơn trong điều hành, song diễn biến chung cho thấy các ngân hàng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, để ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp và người đi vay nói chung không nên kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu hơn nữa, do tỷ lệ nợ xấu vẫn đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây và làm tăng thêm chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng.
Lưu ý là vào cuối năm 2024, các TCTD phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng (theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN). Do đó, họ sẽ phải có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành tại cuối năm nay. Điều này sẽ cản trở kỳ vọng hạ lãi suất vay sâu hơn cho dù NHTW có xu hướng nới lỏng.