Bất chấp tình trạng kinh tế Mỹ ra sao thì toàn thế giới vẫn cần đến USD để giao dịch quốc tế, cất trữ, trú ẩn,... Do đó, sức mạnh của USD là vô song!
>>FED “đốt nóng” kinh tế Mỹ như thế nào?
Thông thường, lạm phát và mất giá đồng tiền như hình với bóng, chúng có quan hệ hữu cơ và biểu hiện cho nhau. Khi một đồng tiền nào đó mất giá sâu là căn cứ đánh giá mức độ lạm phát, và khi lạm phát xảy ra chắc chắn kèm theo suy yếu đồng tiền.
Theo công bố mới nhất của Bộ Lao động Mỹ ngày 13/7, CPI tháng 6/2022 của nước này đã tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái- mức cao nhất trong vòng 41 năm qua, vượt ra ngoài mọi dự báo.
CPI Mỹ tăng mạnh chủ yếu do cú sốc lớn nhất là giá năng lượng, tăng 7,5% chỉ từ tháng 5 đến tháng 6. Giá gas đã tăng vọt gần 60% so với một năm trước. Tháng trước, giá xăng ở Mỹ cao kỷ lục, trung bình 5 USD mỗi gallon (3,7 lít).
Nhắc đến lạm phát, nhiều người nhớ đến hình ảnh đất nước Zimbabwe với giá cả tăng phi mã, 12 triệu đô la Zimbabwe chỉ đổi được 50 xu Mỹ; hoặc cần tới 100 tỷ đô la Zimbabwe để mua 3 quả trứng; một ổ bánh mỳ có gia bằng 12 chiếc xe hơi mua mới 10 năm trước đó...
Và, khả năng chúng ta lại suy nghĩ theo logic nếu giá hàng hóa ở Mỹ tăng mạnh hơn nữa, “đồng bạc xanh” quyền lực nhất thế giới cũng thảm hại như vậy nếu người Mỹ phải vác cả bao tải tiền đi mua sắm?
Không hề! Không dễ gì có cả bao tải USD, và Mỹ không phải là Zimbabwe. Dù lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới có thể vượt qua 2 con số nhưng USD sẽ không bao giờ mất giá mạnh như đô la Zimbabwe.
Lý do đầu tiên, đơn giản vì Mỹ là nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, sức mạnh này từ đâu mà có? Không phải Mỹ sản xuất nhiều nhất và xuất khẩu nhiều nhất; khả năng sáng chế phát minh cũng không vượt trội nhiều so với châu Âu và Trung Quốc,… Sức mạnh Mỹ chính là đồng USD.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, "giới đầu sỏ" tài chính Mỹ vẫn có công cụ “cứng” và “mềm” bảo vệ ngôi vương cho đồng tiền của họ. Đơn cử, hệ thống Petrodollars - bắt buộc mọi giao dịch dầu mỏ trên toàn cầu phải sử dụng tiền Mỹ! Hệ thống thanh toán trực tuyến SWIFT giúp lưu chuyển USD trên toàn thế giới.
Chỉ cần hai loại công cụ này, cho dù kinh tế Mỹ suy thoái đến đâu thì phần còn lại vẫn cần có USD để giao dịch xuyên biên giới. Nhu cầu USD không hề giảm, thậm chí còn tăng khiến USD luôn quan trọng và giữ giá.
>> Thế khó của FED
Hơn nữa, do USD có vị thế quan trọng trong giao dịch quốc tế, có tính thanh khoản rất cao, nên mỗi khi thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn như hiện nay, vai trò trú ẩn của USD lại tăng vọt, bất chấp lạm phát Mỹ tăng cao.
Ngoài ra, khi lạm phát Mỹ không ngừng tăng cao như hiện nay, FED lại tăng mạnh lãi suất cơ bản của USD, qua đó hút dòng tiền giá rẻ từ các thị trường mới nổi về Mỹ, hỗ trợ tích cực cho USD...
Khi cần, các cuộc chiến tranh sẽ được triển khai để bảo vệ lợi ích Mỹ, bảo vệ sức mạnh Mỹ. Hãy soát lại xem, rất nhiều quốc gia Trung Đông có sở hữu trữ lượng dầu mỏ phong phú nhưng chỉ cần có ý định không muốn giao dịch dầu bằng USD lập tức bị quy chứa chấp khủng bố, phát triển vũ khí hạt nhân, xâm phạm nhân quyền, độc tài chính trị,…
Và không tự nhiên là Washington vung ra 4.000 tỷ USD mang bom đạn, xung đột vào Trung Đông. Đừng nghĩ người Mỹ thực dụng đã thất bại qua con số rất tốn kém này. Cái lợi lâu dài là “dằn mặt” và kiểm soát thị trường dầu mỏ, qua đó bảo trợ đồng USD.
Vì sao các nước bị Mỹ “dòm ngó” và cấm vận trong 30 năm trở lại đây đều là những quốc gia có rất nhiều dầu mỏ như Iran, Venezuela. Là nước có vị thế số 1 thế giới, Mỹ có nhiều cách gây sức ép để quốc gia khác tham gia vào “hệ thống kinh tế USD” - từ ngoại giao, chính trị cho đến cấm vận kinh tế và không loại trừ chiến tranh.
Lịch sử tiền tệ trải qua nhiều “bản vị” từ bạc, vàng và bây giờ là USD - dầu mỏ, xoay quanh nó là xung đột, chiến tranh, phân cực, phe phái, Đông - Tây, mặn nồng rồi lạnh nhạt, từ bạn thành thù và thù thành bạn,…
Tóm lại, đồng USD chỉ trở lại “bình thường” khi và chỉ khi Trung - Nga đủ mạnh để phá bỏ hệ thống tài chính- tiền tệ quốc tế hiện hành lập ra tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên, giấc mơ này vẫn còn quá xa tầm với đối với Trung Quốc và Nga.
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng việc làm không ảnh hưởng đến lạm phát ở Mỹ
06:30, 08/02/2018
“Bóng ma” suy thoái kinh tế Mỹ tạo lực đẩy giá vàng tuần tới?
05:10, 26/06/2022
Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, vàng bật tăng trở lại
04:30, 30/04/2022
Nỗi ám ảnh kinh tế Mỹ
03:17, 09/04/2022
FED “đốt nóng” kinh tế Mỹ như thế nào?
06:00, 28/07/2021
Cơ hội từ đà phục hồi kinh tế Mỹ
05:30, 21/03/2021
Bà Janet Yellen: Lãi suất cao tốt cho kinh tế Mỹ và cho Fed
10:25, 07/06/2021