Khoai tây, cà rốt Trung Quốc đội lốt rau quả Đà Lạt hay gừng, tỏi Trung Quốc “trồng” ở Tiền Giang... là thực trạng đáng buồn của nông sản Việt ngay tại thị trường nội địa.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về tình trạng một số nông, thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường với tên gọi của sản phẩm cùng loại tại Việt Nam.
Cụ thể, như nhiều loại nông thuỷ sản như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa… Hành vi gian lận này tuy chưa phổ biến nhưng cũng đã phần nào làm giảm uy tín của sản phẩm Việt Nam và ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng.
Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được nhận định sẽ khiến hàng Trung Quốc tràn qua thị trường nội địa, thậm chí "núp danh" thương hiệu "made in Vietnam" để xuất sang Mỹ.
Nhận định về tình trạng này, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho rằng: “Có thực trạng đáng buồn này là do Việt Nam hiện không có tiêu chuẩn và quy định chuỗi sản xuất - thương mại phải thực hiện truy xuất nguồn gốc”.
Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc có 3 mục đích: bảo đảm an toàn thực phẩm, để chứng minh xuất xứ - chống hàng giả và quan trọng là để quản lý, nhưng Việt Nam hiện chưa làm được.
Văn bản gửi Chính phủ của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, nguyên nhân khiến hàng hoá nông sản mập mờ xuất xứ vì các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
07:54, 16/11/2018
07:55, 13/11/2018
02:20, 06/11/2018
13:05, 31/10/2018
Đồng thời, các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để đối với nông sản, thủy sản.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có đưa ra các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với sản phẩm "không bảo đảm an toàn", tức là chỉ khi sản phẩm không đảm bảo an toàn hoặc khi cơ quan nhà nước có yêu cầu thì thương nhân mới phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc với thực phẩm.
Đặc biệt, pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm của Việt Nam.
Theo đó, quy định chi tiết về cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam thì có, tuy nhiên, các quy định này mới được áp dụng cho hàng xuất khẩu, không áp dụng đối với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm "của Việt Nam" hay không. “Ngay cả khi có lý do để nghi ngờ thì cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định một sản phẩm nào đó không phải là sản phẩm của Việt Nam”, văn bản của Bộ Công thương nêu thực trạng.
Trước thực tế này, doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan quản lý có thể sử dụng các hàng rào thương mại bảo vệ hàng Việt mà không trái với quy định của quốc tế.
“Vừa qua, Trung Quốc truy xuất lý lịch trái cây Việt, nhưng Việt Nam lại không thể làm điều này với trái cây từ nước họ. Các doanh nghiệp như chúng tôi cũng ấm ức lắm..”, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Có cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho rằng, cách đơn giản hơn là quản lý từ nguồn nhập khẩu.
“Ngoài các hàng rào thuế, trong trường hợp này giải pháp hữu hiệu nhất là việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật. Khi đó hàng hóa chất lượng đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản rồi thì không lo họ giả xuất xứ nữa”, ông Ngãi nhấn mạnh.
Ở vai trò cơ quan quản lý, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.