Rổ VN30 đồng loạt lau sàn giữa bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo ồ ạt...
Theo đó, chỉ số VN30-Index lần đầu tiên giảm 72.88 điểm, hay 6.73%, dừng ở 1,010.75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch nhóm VN30 đạt gần 314 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 10,688 tỷ đồng.
Trước những thông tin về các ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, cùng với hai phiên giảm mạnh gần đây đã dấy lên tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư, đặc biệt là tâm lý hoảng loạn của những người mới gia nhập thị trường.
Rổ VN30 cũng chịu áp lực xả hàng quyết liệt với 30 mã giảm, trong đó nhiều cổ phiếu trụ như VIC, VHM, MSN, STB... giảm hết biên độ.
Lực bán lan tỏa trên diện rộng đẩy thanh khoản tăng nhanh, chỉ trong 15 phút đầu phiên đã xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu được sang tay cũng trên 86 triệu. VN-Index chốt phiên sáng giảm hơn 70 điểm.
Ngay sau đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại đang tích cực gom hàng, với kết quả khối ngoại mua hơn 200 tỷ đồng và bán ra 143 tỷ đồng. Các cổ phiếu đang được săn đón nhiều nhất đều có mức giảm trên 4%, gồm HPG, SSI, PVD, MSN...
Thị trường đi ngang trong gần hết phiên chiều khi trạng thái nghẽn giao dịch xảy ra và lực cầu bắt đáy không xuất hiện. Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 73 điểm (6,67%) xuống 1.023,94 điểm. VN30-Index nhích nhẹ cuối phiên nhờ lệnh mua tại EIB và NVL, giảm 6,73% xuống 1.010 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm hơn 8%, còn UPCOM-Index giảm hơn 7%.
Đến cuối phiên, sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn với 478 mã giảm trên HoSE, trong đó 276 mã giảm sàn. Trong nhóm bluechip, 29 mã giảm với 28 mã giảm sàn.
Lệnh mua trong phiên ATC giúp EIB trở lại giá xanh, còn NVL thoát giá sàn. Tuy nhiên, 28 mã bluechip còn lại vẫn trong trạng thái "trắng bảng bên mua".
Thanh khoản HoSE đạt gần 18.400 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm 30 mã vốn hóa lớn giao dịch gần 10.700 tỷ.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc nghiên cứu phân tích công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính khiến thị trường trở nên tiêu cực là do COVID-19 xuất hiện trở lại, đặc biệt là chưa phát hiện được F0 và nguy cơ lây lan cộng đồng rất lớn. Đồng thời, còn là hiệu ứng domino do thời gian qua, lượng đòn bẩy trên thị trường lớn. Chính vì vậy, khi xuất hiện luồng thông tin xấu, ngay lập tức hoạt động kiểm soát rủi ro sẽ được kích hoạt, cùng những lo ngại về hệ thống như nghẽn lệnh không giao dịch được.
Tuy nhiên, áp lực xảy ra trong phiên sáng là chủ yếu. Đây là phiên giảm lịch sử với mức độ thanh khoản cao do lượng nhà đầu tư mới lao vào thị trường quá đông, với đội margin tăng mạnh từ tháng 12/2020 đưa nguồn cung tăng cao.
Mặc dù vậy ông Nguyễn Thế Minh vẫn lạc quan rằng, thị trường sẽ có sự cân bằng trở lại, với VN-Index dao động từ 970-1000 điểm. Có 1 số yếu tố như: Thứ nhất, do nhà đầu tư chưa xác định được tình hình dịch bệnh nên xảy ra tâm lý bán tháo là điều dễ hiểu, nhưng Chính phủ sẽ sớm dập dịch và ổn định tình hình như những giai đoạn trước. Trong khi đợt bùng phát lần này chủ yếu xảy ra trong khu công nghiệp, liên quan nhiều đến người nhập cảnh, vì vậy sẽ không quá đáng lo ngại.
Thứ hai, ngày 19/1 thị trường đã chứng kiến một đợt giảm rất mạnh, lúc đó lượng margin đã giảm đáng kể và theo quán tính, lượng margin sẽ tiếp tục đà giảm giúp hạ bớt áp lực với thị trường.
Thứ ba, năm nay, tăng trưởng kinh tế đến từ xuất khẩu phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát thì kinh tế vĩ mô sẽ khả quan, theo dự báo tăng trưởng lợi nhuận ước đạt hơn 23%. Như vậy, 2021 sẽ không còn quá khó khăn như 2020, nên việc VN-Index tăng trở lại mức 1200 điểm vẫn là khả quan. Đặc biệt, lực cầu sẽ trở lại trong những phiên tới.
Có thể thấy, khi nhà đầu tư bán tháo ồ ạt, tạo ra hiệu ứng tiêu cực, nhưng ở một góc nhìn khác sẽ thấy đây là điểm sáng với các quỹ và những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường, họ sẵn sàng đổ dòng tiền lớn vào để gom hàng sau một năm trải nghiệm nhiều biến động.
“Hiện nay, rủi ro hiện hữu chủ yếu với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy trong ngắn hạn. Song với đà giảm mạnh thì nhiều cổ phiếu đã rơi vào quá bán cũng sẽ phải phục hồi trở lại. Các nhà đầu tư nên bình tĩnh, hạn chế xả hàng để chờ nhịp hồi phục và đưa đòn bẩy về 0%. Với nhà đầu tư dùng vốn tự có sẽ đỡ áp lực khi chờ thị trường cân bằng, với nhà đầu tư tập trung dài hạn thì đây cũng là cơ hội mua vào tốt”, ông Minh khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm