"Cũ người mới ta" là cái lý có vẻ duy tâm đầy an ủi của người Việt, còn duy vật mà nói, bản thân cái cũ chẳng bao giờ là... mới!
Tôi có thằng bạn thân thời mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học, nó thuộc tuýp người như khoa học phát hiện, mức độ thông minh đối nghịch với chỉ số dọn dẹp. Hễ về quê vài hôm y như rằng phòng trọ thành túi rác có kê cái giường ngủ.
Bẵng đi một thời gian, loằng ngoằng thế nào nó bỏ ngang nhiệm sở đi Nhật Bản theo diện xuất khẩu lao động, thời gian đầu cái “nó” với cái gọi là “Nhật” xung đột nhau dữ dội chỉ một việc giữ gìn vệ sinh nơi ở và đổ rác thải sinh hoạt.
Muốn không ăn phạt thì nên học thuộc lòng biểu đồ phân loại rác chia thành nhiều loại: dễ cháy, không cháy, rác thải rắn, vô cơ, hữu cơ - tất nhiên là không như Việt Nam, tất cả cho vào một rồi để chỏng chơ trước ngõ đã là văn minh lắm!
Thải rác công nghiệp, thiết bị điện mới nghiêm ngặt, khổ chủ phải báo với cơ quan môi trường đến đo đạc, thẩm định và dán tem trước khi muốn tống cái của nợ ấy ra ngoài. Và tất nhiên, mỗi cái tem dao động từ vài chục đến vài trăm Yen.
Chính phủ Nhật không màng đến số tiền này, ý nghĩa của nó là cảnh báo ý thức người dân phải tiết kiệm, tận dụng những thứ còn dùng được. Hoặc, muốn thải rác phải đài thọ cho cơ quan xử lý chúng.
Nơi bạn tôi sinh sống và làm việc là tỉnh Chiba, nằm ở phía Bắc vịnh Tokyo, một trong những hạt nhân của vành đai công nghiệp lớn nhất xứ sở hoa anh đào. Thế mà có ruộng trong phố, phố xen trên ruộng, lúa, hoa màu vẫn trồng nhưng tuyệt nhiên không thấy cọng cỏ, sợi rơm nào vương vãi. Dọc đường đi làm có mương nước thải… trong veo, cá Koi bơi lượn tung tăng như xứ thâm sơn cùng cốc.
Nó nhớ nhà, nhớ cảnh mùa gặt ở quê nên “rình” đến lúc nông dân Nhật gặt lúa để xem cho thỏa, thế mà đợi mãi chẳng thấy cảnh gặt lúa, tất cả là một cái xe to đùng lướt qua lướt lại, thóc lúa rơm rạ như có phép màu biến đi đâu không rõ.
Vứt cái lò vi sóng cũ mất vài trăm Yen, thế thì xử lý 37 cái toa tàu đường sắt có tuổi đời 40 năm chắc không ít. Người Nhật ngỏ ý tặng Việt Nam, thực tình là bạn tốt, ấy nhưng đó cũng là cách “đổ rác” rất tinh tế và lịch sự.
Đường sắt Việt Nam cũng ưng bụng muốn nhận về sử dụng cho đỡ phí, cũng thực tình dù đã 40 năm nhưng công nghệ còn quá tốt so với các nước đang phát triển.
Ngẫm: Ở đâu đó, thỉnh thoảng ta hay nghe đến khái niệm “Việt Nam hùng cường”, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “sánh ngang”, “đuổi kịp”, “thu hẹp khoảng cách” với các nước giàu.
Nếu ngành đường sắt còn khoái chí với công nghệ cách đây 40 năm thì biết bao giờ người Việt ta mới được hưởng cái vinh dự ngồi trên con tàu như Lane Xang của Lào, hao hao Shinkansen của Nhật?
Có thể bạn quan tâm