Lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tốt nhưng cần phải tiến hành đúng cách, tránh tình trạng "bắt chuột làm vỡ bình" ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS.
>>Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam
Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự bùng nổ khá ngoạn mục với sự gia tăng mạnh mẽ về lượng tài khoản mở mới, quy mô phát hành và tỷ lệ vốn hóa trên TTCK, giúp các DN đa dạng hóa nguồn vốn kinh doanh, tăng cơ hội tiếp cận trực tiếp nguồn vốn xã hội với chi phí rẻ; đồng thời, giúp giảm nhẹ gánh nặng huy động vốn cho hệ thống ngân hàng và cải thiện sự phụ thuộc vốn quá mức như trước đây của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, thực tế cũng đang nổi lên một số quan ngại, nổi bật là cảnh báo về trạng thái phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc, phát triển nóng và thiên nhiều về lượng hơn là chất, và sự tập trung nghiêng lệch cơ cấu vốn huy động vào lĩnh vực bất động sản.
Có thể bạn quan tâm |
Đặc biệt, gần đây liên tiếp xuất hiện các sai phạm và rủi ro tiềm ẩn, cũng như nhiều tin đồn thất thiệt gây rung lắc thị trường trong phát hành và quản lý vốn phát hành trái phiếu DN.
Cả về logic và thực tiễn thị trường đã, đang và sẽ còn chứng tỏ sự tập trung về cơ cấu và mức lãi cao của các trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sẽ gây nguy cơ mất khả năng thanh khoản và trả lãi theo cam kết, từ đó kéo theo các tranh chấp và tổn thất tài chính, làm tổn hại quyền lợi, giảm niềm tin nhà đầu tư và hạn chế khả năng huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp.
Hệ lụy xã hội và rủi ro hệ thống càng lớn khi càng nhiều ngân hàng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nói cách khác, rủi ro trên thị trường trái phiếu DN còn có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn tài chính của các nhà đầu tư cá nhân, cũng như các tổ chức tín dụng đã mua trái phiếu doanh nghiệp.
Bởi vậy, thực tế đòi hỏi cần có sự tiếp cận đa chiều và giải pháp đồng bộ để đảm bảo cho TTCK nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển lành mạnh, minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà phát hành.
Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TTCK nói chung, thị trường trái phiếu DN nói riêng.
Cần chủ động rà soát và tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Trước mắt, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý Nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, nhất là về phát hành trái phiếu riêng lẻ; thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu và yêu cầu minh bạch sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.
Hướng dẫn cụ thể về quy trình và nội dung công bố thông tin phát hành với sự xác nhận của các cơ quan quản lý Nhà nước như UBCKNN. Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn.
Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bổ sung, cụ thể hóa và đề cao hơn nữa quy định về trách nhiệm của các tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan. Bổ sung các quy định về kiểm soát mức độ tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu DN của các tổ chức tín dụng…
"Bắt chuột không làm vỡ bình"
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Đồng thời, cần giám sát sự tuân thủ pháp luật và nâng cao vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần sớm phát triển các thể chế xếp hạng tín nhiệm DN và trái phiếu DN ở Việt Nam để đa dạng hóa căn cứ khách quan và độ tin cậy cho việc ra quyết định của các nhà đầu tư và giúp minh bạch hóa thị trường.
Theo tinh thần đó, Bộ Tài chính cần đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, “tiền phòng - hậu kiểm” để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên TTCK một cách bình đẳng, minh bạch và có giá trị đúng đắn nhất. Mặt khác, cần tăng tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm khắc các tin đồn thất thiệt, sai lệch và giả mạo trên TTCK.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan cần thống nhất các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình phát hành, cũng như giao dịch trên TTCK; tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với những bất cập và rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường, các hành vi đi chệch ra khỏi quy định của luật pháp, các hành động lách luật hoặc lợi dụng thị trường để làm méo mó các quy định pháp luật...
Việc xử lý các vi phạm trên TTCK chỉ là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và TTCK, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Nói cách khác, việc “gợn đục khơi trong”, “bắt sâu nhổ cỏ” là cần thiết, song “đánh chuột không được làm vỡ bình”, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng và phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, tích cực.
Hai yêu cầu này đều cấp thiết, song song với nhau, hướng tới mục tiêu ổn định và tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển thị trường vốn nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu
03:00, 07/05/2022
Thanh lọc trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
03:00, 05/05/2022
Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Lo lắng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
04:00, 02/05/2022
Nhiều sai phạm trái phiếu, chứng khoán: Thứ trưởng Bộ Tài chính nói gì?
03:00, 30/04/2022