Đây là chia sẻ của TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tại Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”…
>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hải Dương; chiều 31/08/2023, tại TP. Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Ban Pháp chế VCCI, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp các tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên phối hợp tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Dũng cho hay, vùng Đồng bằng sông Hồng có lịch sử phát triển lâu đời gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển của cả nước. Vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trong vùng có Thủ đô Hà Nội, là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa, đào tạo và khoa học công nghệ của cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đây cũng được xem là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt với 3 tuyến hành lang kinh tế đi qua.
Theo ông Dũng, tổ chức không gian phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng hình thành 2 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng (còn gọi là vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Vùng Kinh tế trọng điểm bắc bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: TP. Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và TP. Hải Phòng.
Các địa phương gồm Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Ninh nằm trên trục cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh là 03 cực tăng trưởng trong tam giác phát kinh tế.
“Tăng trưởng kinh tế bình quân của Vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỉ đồng, chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh, Đô thị phát triển nhanh, tỉ lệ đô thị hoá trên 41%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; phát huy tốt vai trò của các hành lang, vành đai kinh tế. Quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Dũng chia sẻ.
>> [TƯỜNG THUẬT TRỰC TUYẾN] Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
Cũng theo ông Dũng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước, chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng KTTĐ, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31% của cả nước, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng. Ngành công nghiệp - xây dựng của vùng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng.
Từ năm 2017, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đều có điều tiết về ngân sách trung ương, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của cả nước và là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có tất cả các địa phương đều có điều tiết về ngân sách trung ương. Tính đến năm 2018, toàn vùng có 44 khu công nghiệp, 02 khu kinh tế đang hoạt động và thu hút trên 8.444 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 91,061 tỷ USD, bằng 36,16% về số dự án và 26,8% tổng vốn đầu tư đăng ký so với cả nước.
Nhiều công trình, dự án giao thông lớn, quan trọng có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của Vùng đã được triển khai và đưa vào sử dụng như tuyến đường bộ cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng (105,5km); Hạ Long - Hải Phòng (25km), hình thành hành lang kinh tế, các trục chính kết nối các tỉnh trong Vùng và các vùng khác trong cả nước, như việc nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh). Đầu tư mở rộng cảng Đình Vũ, cảng Cái Lân, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện…. đã góp phần phát triển dịch vụ logistics và tăng khả năng cạnh tranh loại hình này với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn vùng có 27 trung tâm logistics, chiếm 55% tổng số logistics cả nước, tập trung chủ yếu tại Bắc Ninh (14), Hà Nội (11), Hải Phòng (2).
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, vị chuyên gia này cũng cho biết, kinh tế của Vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng còn một số tồn tại: tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; trình độ phát triển kinh tế của các địa phương không đồng đều; chuyển dịch cơ cấu của các ngành kinh tế còn chậm; Cơ cấu thu ngân sách ở một số địa phương chưa bền vững, phụ thuộc vào nguồn thu của một số dự án FDI quy mô lớn;
Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng chưa cao, thâm dụng lao động, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, phần lớn các dự án FDI thường tập trung vào các lĩnh vực, các ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ;
Cấu trúc không gian phát triển của Vùng còn hình thành thụ động, chờ thời cơ, chưa rõ nét theo định hướng; công nghiệp phát triển chưa đồng đều, phần lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh;…
Để giải quyết các thực tế đã nêu, TS Đặng Việt Dũng cho rằng, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong trách nhiệm quản lý, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương về loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, giữa các ban quản lý và địa phương trong việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho lực lượng lao động. Hoàn thiện các quy định phân công thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ để đảm bảo công tác điều hành quản lý khu công nghiệp thông suốt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, yêu cầu về chuyển đổi mô hình phát triển các KCN từ mô hình hiện nay sang các mô hình KCN chuyên biệt, các mô hình Khu Công nghiệp sinh thái, KCN đô thị là hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không chỉ cần thời gian, nguồn vốn mà trên hết rất cần sự đổi mới trong tư duy quy hoạch phát triển KCN, sự quyết tâm khi tổ chức thực hiện và nỗ lực của các đơn vị. Vì vậy, Nhà nước cũng cần có những quy định về lộ trình chuyển đổi để đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
13:30, 31/08/2023
[TƯỜNG THUẬT TRỰC TUYẾN] Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
12:36, 31/08/2023
Mở cơ hội phát triển cho các khu công nghiệp trên trục cao tốc phía Đông
05:00, 31/08/2023
Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
05:00, 31/08/2023
Hình thành hệ sinh thái giữa các khu công nghiệp thuộc trục cao tốc phía Đông
22:42, 30/08/2023