Không chỉ nóng lên câu chuyện thanh long rớt giá, các chuyên gia cảnh báo nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự.
Nhiều nông sản Việt "dính đòn"
Mới đây câu chuyện thanh long nước ta gặp khó về đầu ra và rớt giá thê thảm đang làm nóng dư luận. Nguyên nhân được chỉ ra chính là quá phụ thuộc vào thị trường láng giềng khi Trung Quốc chiếm đến 80%-90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó Trung Quốc đã mở rộng diện tích trồng thanh long trong nhiều năm qua ngang ngửa Việt Nam.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương thông tin hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đạt hơn 35.000 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Chưa hết, theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc sẽ tăng khoảng 1%, tương đương khoảng 2,2 triệu ha diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới trong giai đoạn 2015-2020. Đáng nói, Trung Quốc bắt đầu thu hoạch thanh long từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam.
Ngoài thanh long, Trung Quốc cũng mở rộng diện tích trồng dưa hấu tại nước này. Không chỉ trồng trong nước, Trung Quốc còn đổ sang Lào, Campuchia, Myanmar… để thuê đất trồng dưa hấu và đương nhiên họ sẽ ưu tiên mua dưa hấu của họ.
Trái vải thiều có thể cũng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, dẫn chứng đầu năm nay, giá vải thiều đã giảm sâu do sản lượng nhiều, xuất khẩu sang Trung Quốc hạn chế vì nước này cũng trúng mùa trái vải. Riêng tại đảo Hải Nam (TQ) có diện tích trồng vải lớn lên tới 7.000-8.000 ha, sản lượng trong năm nay đạt khoảng 300.000 tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm, tăng 30% so với năm trước đó. Và diện tích vải tại nước này cũng đang tăng nhanh.
Một loại nông sản khác của nước ta nhiều năm qua cũng thường rơi vào cảnh được mùa mất giá đó là chuối. Có thời điểm chuối chín rục trên cây nhưng không ai mua, phải đổ bỏ, phải “giải cứu”. Một phần cũng vì Trung Quốc giảm dần tiêu thụ nhờ tự cung tự cấp khi đang có hướng trồng chuối tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam với diện tích trên dưới 300.000 ha.
Cà phê Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Vốn được biết đến là quốc gia xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Nhưng kỳ lạ là vài năm gần đây, lượng cà phê nhập khẩu của Việt Nam lại tăng lên nhanh chóng.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia ngành cà phê, cho biết hiện nay Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ 12 thế giới về sản lượng cà phê. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, với công nghệ rang xay, chế biến phát triển, Trung Quốc đã xuất khẩu sản phẩm cà phê đi các nước, thậm chí xuất khá nhiều sang Việt Nam cho các hãng cà phê bán lẻ.
Cần thay đổi thực chất
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - có đến 80% - 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô sang thị trường các nước, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên giá trị thu về không cao, thậm chí bị ép giá bởi khi xuất các loại rau, củ, quả tươi không qua khâu xử lý sau thu hoạch thời gian bảo quản ngắn, số lượng, chất lượng cũng như giá trị dinh dưỡng dễ thất thoát vì không được đầu tư đúng cách.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 09/10/2018
14:50, 03/10/2018
05:32, 02/10/2018
15:18, 28/09/2018
11:00, 25/09/2018
Bên cạnh đó, theo ông Vĩ Tích Thành, Tham tán kinh tế thương mại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, Trung Quốc đang mở rộng diện tích các loại nông sản đang nhập nhiều từ Việt Nam với mục đích tự tạo nguồn cung cấp trong nước. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản vẫn rất lớn. Vấn đề doanh nghiệp Việt phải hiểu thị trường nhập khẩu, những người tiêu dùng Trung Quốc họ đã thay đổi, họ chọn hàng chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Từ thực tế trên, ông Phạm Minh Quang - Phó Giám đốc dự án Mekong Business Initiative (MBI) kiến nghị thay vì sản xuất đại trà, việc trồng và phân phối nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn trong và ngoài nước theo đơn đặt hàng sẽ khiến nông sản có giá trị cao hơn. Việc này cũng khắc phục “điệp khúc” được mùa mất giá ở chuối, dưa hấu, khoai lang, hành tím… thời gian qua.
Bên cạnh đó, ngoài chất lượng, bộ nhận diện thương hiệu, hình thức, mẫu mã nông sản để người tiêu dùng biết và nhớ hiện rất quan trọng tại thị trường các nước. Việc này cũng cần có sự hỗ trợ giữa doanh nghiệp và Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại một hội nghị về nông sản mới đây cũng lưu ý, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường.
“Quan trọng là một người nông dân đơn thương độc mã theo hộ kinh doanh cá thể thì làm sao mà giải quyết được mất tương xứng của thị trường đầu vào đầu ra? Cho nên, cần vai trò của các kinh tế hợp tác, của HTX kiểu mới và các mô hình hợp tác, thì chúng ta mới nâng giá trị, vị thế của người nông dân trong đàm phán…
Thị trường ở đây không chỉ là thị trường trong nước, mà còn là “chợ thế giới, chợ toàn cầu”. Thị trường - chợ ở đây không chỉ có hơn 90 triệu dân Việt Nam mà còn cho 7 tỉ người trên thế giới” - Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, chúng ta đang tính toán để xây dựng những sàn giao dịch về nông sản, phát triển những thị trường giá cả tương lai để khắc phục bớt rủi ro cho người nông dân, để phân chia rủi ro và phân phối lợi ích đồng đều hơn giữa người sản xuất, người tiêu thụ và các trung gian của người phân phối…
Muốn giảm bớt rủi ro cho người nông dân và đẩy mạnh giá trị nông sản, cần đẩy mạnh chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu tươi sống bởi thị trường Trung Quốc hiện nay cũng đã nâng cao hàng rào kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.