Huawei- "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc, đang đa dạng hóa hoạt động, thay vì dựa vào sản xuất mảng điện thoại thông minh bị siết chặt về công nghệ.
Huawei Technologies của Trung Quốc tuần qua cho biết lợi nhuận ròng của họ đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2023, đặc biệt doanh thu ở tất cả các mảng kinh doanh đều tăng trưởng trong năm.
>>Xa rời Trung Quốc, ngành giáo dục Anh quốc hướng tới đâu?
Với 87 tỷ nhân dân tệ (12 tỷ USD), lợi nhuận ròng của Huawei đã đạt mức cao thứ hai trong 5 năm qua, chỉ sau năm 2021 khi hãng ghi nhận một khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất dòng điện thoại thông minh giá rẻ Honor. Điều đáng nói, con số này là tín hiệu mạnh mẽ đối với phương Tây rằng công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã có thể trụ vững trước các lệnh cấm vận của Washington.
Động lực cho đà tăng trưởng ấn tượng này của Huawei được cho là sự trỗi dậy của Huawei trên thị trường smartphone. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh điện tử tiêu dùng của công ty đã tăng 17,3% so với năm 2022, lên gần 35,4 tỷ USD vào năm 2023 và đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục kéo dài sang quý đầu tiên của năm 2024, theo công bố từ Huawei.
Từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, Huawei vươn mình trở lại là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các đối thủ, mà nổi bật nhất là Apple, hãng điện thoại đến từ đối thủ Mỹ.
"Apple đang cảm nhận sức nóng sâu sắc nhất từ sự hồi sinh của Huawei. Gần đây, Apple đã đáp trả bằng việc tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, bao gồm chi tiêu đáng kể cho các chiến dịch đồng tiếp thị, một cửa hàng Apple mới và chuyến thăm của CEO Tim Cook, tất cả các sáng kiến nhằm giúp hãng củng cố vị thế thị trường của mình", Runar Bjorhovde, nhà phân tích của Canalys, nói.
Hệ điều hành HarmonyOS của Huawei hiện được cài đặt trên hơn 800 triệu thiết bị trên tất cả các nền tảng, tăng so với khoảng 330 triệu thiết bị cùng kỳ năm ngoái. Kể từ khi bị Mỹ cắt quyền truy cập vào công nghệ tiên tiến của nước này, Huawei đã bắt đầu tập trung phát triển HarmonyOS như một giải pháp thay thế cho hệ điều hành Android của Google – vốn đang ở trên khoảng 3,9 tỷ điện thoại thông minh trên toàn cầu, theo BusinessofApps.
Điểm nhấn lớn nhất trong năm 2023 của gã khổng lồ công nghệ là việc ra mắt dòng điện thoại hàng đầu Mate 60 Pro với hiệu suất mạnh mẽ. Sản phẩm này được giới thiệu mang trên mình công nghệ chip 7 nanomet tiên tiến ở model cao cấp do các kỹ sư Trung Quốc chế tạo. Tuy nhiên, Huawei vẫn dựa vào nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ để cung cấp chip di động 4G cho hầu hết smartphone của hãng.
>>Trung Quốc tìm cách nâng cao vị thế trong hệ thống tài chính toàn cầu
Tuy nhiên, việc phục hồi đà tăng trưởng của Huawei cũng bị đặt dấu hỏi. Trước hết, có nhiều luồng ý kiến về khả năng tự chủ thực sự của Trung Quốc đối với chip 7nm tiên tiến. Nhiều dữ liệu cho thấy Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu các máy móc của Mỹ và châu Âu trước khi các lệnh cấm có hiệu lực.
Đầu tháng 3, tờ Bloomberg đưa tin chip 7 nanomet của Huawei và SMIC được sản xuất dựa vào thiết bị của công ty công nghệ Applied Materials và Lam Research được mua trước khi Mỹ bắt đầu siết chặt dòng chảy công nghệ.
Ngoài ra, việc không thể tích hợp các công nghệ hay ứng dụng của phương Tây khiến các điện thoại của Huawei khó lòng khai phá các thị trường ngoài biên giới. Trong năm 2023, 94% lô hàng điện thoại thông minh của Huawei là ở thị trường Trung Quốc.
Đối mặt với thách thức đó, tập đoàn của Nhậm Chính Phi đang phải tìm các hướng đi khác để bổ sung vào doanh thu trong tương lai.
Trong cả năm 2023, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei đạt mức cao lịch sử là 23 tỷ USD, tương đương khoảng 23,4% tổng doanh thu. Tổng cộng, công ty đã chi khoảng 156 tỷ USD cho R&D trong thập kỷ qua.
Hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của công ty cũng chứng kiến sự tăng trưởng lớn trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ về công nghệ AI sáng tạo. Doanh thu của mảng này tăng 21,9% so với cùng kỳ lên 7,7 tỷ USD vào năm 2023.
Hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Huawei, bao gồm các mảng kinh doanh mạng và doanh nghiệp, trở thành trụ cột doanh thu lớn nhất của công ty, với doanh thu tăng 2,3% lên 50,9 tỷ USD.
Mặc dù bị thị trường Mỹ và châu Âu "ngoảnh mặt", nhưng Huawei vẫn tìm kiếm được nhiều đối tác mới từ các thành viên BRICS hay Trung Đông. Công ty một lần nữa trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vào năm 2023 khi triển khai công nghệ mạng không dây 5,5G trong và ngoài nước, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Trung Đông.
Mảng kinh doanh điện tử ô tô non trẻ của công ty đã chứng kiến doanh thu tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái lên 661 triệu USD so với năm 2022. Công ty đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, như Baic Group và Seres, nhưng chỉ phục vụ thị trường nội địa.
Có thể bạn quan tâm