"Đến hẹn lại lên", nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao vào dịp cận Tết, đây là "cao điểm" của những buổi tiệc, tổng kết, tất niên... Kéo theo đó, số người nhập viện vì ngộ độc cũng gia tăng…
>>Bất an thực phẩm bẩn
Theo đó, cứ mỗi dịp cuối năm, vấn nạn thực phẩm bẩn lại được cảnh báo. Mặc dù cơ quan chức năng ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, là mối đe dọa thường trực của bất cứ ai, bất cứ gia đình nào. Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân đang tăng lên. Lợi dụng tâm lý và nhu cầu của người dân, các đối tượng tranh thủ đưa ra thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng nhằm trục lợi.
Những ngày qua, số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 15/12, toàn quốc ghi nhận 59 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 1.440 người bị ngộ độc, trong đó có 28 trường hợp tử vong.
Riêng tại Hà Nội, báo cáo của Sở Y tế TP. Hà Nội cho thấy, trong năm 2022, trên địa bàn Thành phố xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp); 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm, đã được điều tra và xử lý kịp thời. Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Thành phố đã phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính 1.403 cơ sở với số tiền gần 24,8 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
Trả lời báo chí, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội bày tỏ lo ngại, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, các thực phẩm như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát có sức tiêu thụ tăng nhiều lần ngày bình thường, nên rất dễ bị làm giả, làm nhái hoặc không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Các chuyên gia an toàn thực phẩm cảnh báo, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc trong những ngày lễ, Tết là gỏi, thịt chưa chín kỹ, bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn sử dụng. Cùng với đó, là các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Thời tiết là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.
Người dân cũng có thể bị ngộ độc nếu ăn các loại rau sống không được rửa sạch; uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh…
>>Nỗi lo thực phẩm “bẩn”: Trông chờ vào… “đạo đức kinh doanh”
Được biết, thời điểm cận Tết, TP. Hà Nội bắt đầu vào đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội thông tin, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, các sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và dịp lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm.
Đồng thời, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...; kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng...
Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết, các chuyên gia an toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là bánh kẹo nhập khẩu. Người dân nên tìm mua sản phẩm từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.
Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Với các loại rau, quả tươi, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Với thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, người tiêu dùng cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất - kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn…
Mặt khác, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm. Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống, cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn…
“Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định”, ông Phong nói.
Có thể bạn quan tâm