Để không có thêm nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm như thời gian vừa qua, trước hết, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát và quy định chặt chẽ hơn chất lượng dịch vụ nhà ở cho thuê.
>>> Phát triển nhà ở vừa túi tiền: Gợi mở cho Việt Nam
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, sau nhiều sự cố cháy nổ ở “nhà hẻm ngõ sâu" gây hậu quả nghiêm trọng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn chất lượng dịch vụ, nhất là phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, cũng cần có các quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn kinh doanh cho thuê, từ loại hình nhà ở thấp tầng tới các tòa nhà cao tầng. Nhưng cũng phải cân nhắc tác động tiêu cực có thể có là việc các nhà đầu tư thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy, hay các nâng cấp khác để đảm bảo tiêu chuẩn kinh doanh có thể khiến giá thuê BĐS tăng lên do việc kết chuyển chi phí vào giá thành.
Tuy nhiên, tất cả các giải pháp nói trên cũng chỉ là lời giải cho bài toán về nhà ở trong ngắn hạn. Bởi về lâu dài, lượng người nhập cư Hà Nội để học tập, làm việc, ước tính hàng trăm nghìn người mỗi năm, ngày càng tăng. Nếu các loại hình tự phát nói trên tiếp tục phát triển, sẽ tạo áp lực quá tải đô thị, đặc biệt là gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật xã hội, làm tăng mật độ dân cư, không đảm bảo các quy chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ, thiếu tiện ích cần thiết cho cư dân… Do đó, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với các giải pháp đồng bộ đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý.
>>> Giải bài toán nhà ở vừa túi tiền
Thứ nhất, các nhà quản lý cần thúc đẩy di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô, gắn với các trục phát triển và thành phố vệ tinh. Nhất là các trường đại học, để di dời khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô, giảm áp lực về nhà ở cho Thủ đô.
Việc di dời phải thực hiện cùng với các chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong khi khu vực di dời phải đảm bảo các tiêu chuẩn về trường lớp, dịch vụ hạ tầng xã hội đảm bảo đi kèm.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển phân khúc NƠXH, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bao gồm cả mua, thuê và thuê mua với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh an toàn. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu về nhà ở của người dân để xây dựng kế hoạch phát triển NƠXH, bố trí quỹ đất phát triển NƠXH ở vị trí thuận tiện, quy mô phù hợp với nhu cầu của người dân với đầy đủ hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước,...
Đồng thời, xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính, tăng ưu đãi lãi suất cho người mua với thời gian 10 - 15 năm, lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại theo yêu cầu của Thủ tướng và tạo điều kiện tiếp cận quỹ đất nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phân khúc này.
Cuối cùng, để đảm bảo an sinh xã hội của người dân, ngoài các chính sách phát triển NƠXH, cần có các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhất là tại các thành phố lớn. Để người dân có thu nhập thấp có cơ hội được an cư an toàn.
VARS kiến nghị ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu xây dựng gói ưu đãi lãi suất cho vay mua, phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp. Bởi với đặc thù pháp lý và rủi ro khác nhau, lãi suất cho vay mua các loại hình nhà ở không nên cào bằng như hiện nay.
Trên thế giới, Mỹ và Úc đều đã có các Ngân hàng đặc thù chuyên cho vay BĐS, huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế với lãi suất thấp hơn Ngân hàng thương mại với thời hạn cho vay dài hơn lên đến 30-40 năm.
Có thể bạn quan tâm