Luật cần đi vào “ngóc ngách” của thực tế

VŨ VINH PHÚ - Chuyên gia kinh tế 21/01/2022 03:30

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có 10 năm nay, thực tế cuộc sống đã có sự thay đổi và phát sinh những vấn đề mới.

>>Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

Trong dự thảo có đề cập đến một số vấn đề tôi nhất trí, như cấm quảng cáo gây lừa dối cho người tiêu dùng, cấm đưa hình ảnh những người nổi tiếng để quảng cáo hàng hóa, không ép buộc người tiêu dùng trong quảng cáo, tiếp thị để bán hàng hóa...

dự thảo luật cần đi vào từng “ngóc ngách” của thực tế và phải có tính khả thi cao.

Dự thảo luật cần đi vào từng “ngóc ngách” của thực tế và phải có tính khả thi cao.

Thực trạng này trước đây cũng đã có, nhưng thời gian gần đây lại “rộ lên”, nhất là với bán hàng online đang phát triển. Tuy nhiên, theo tôi có một số vấn đề cần phải bổ sung thêm mà trong dự thảo chưa đề cập đến.

Thứ nhất, là giao dịch, mua bán. Hiện nay trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ mới nói về chất lượng hàng hóa, chưa nói đến vấn đề bảo vệ hàng hóa cho người tiêu dùng một cách hợp lý.

Hiện tượng đầu cơ giá, thao túng giá, bán giá cao vô lý so với giá thực tế đầu vào còn đang có những bất cập. Do đó, nên đưa vào luật nghiêm cấm thao túng giá, ép giá mua giá bán gây tổn hại đến người chăn nuôi, sản xuất và tiêu dùng. Đây là vấn lớn nhất hiện nay, vì nó đang còn “ẩn, hiện” rất “mờ ảo”, nên luật cần quy định rõ vấn đề này.

Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm lợi dụng thế lực mạnh của mình về lưu thông hàng hóa để thao túng giá, ép giá gây thiệt hại cho sản xuất và người tiêu dùng, tạo ra mức giá vô lý trên thị trường.

Thứ hai, các đơn vị bán hàng online, các trang mạng điện tử cho thuê gian hàng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về chất lượng hàng hóa, hay giá cả vô lý.

Thứ ba, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không nằm trong phạm vi hẹp, bao gồm từ ăn uống, giao thông đến dịch vụ... Vì xã hội phát triển văn minh nên nhiều người tiêu dùng bị “o ép” và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Quản lý giá, Cục Quản lý cạnh tranh... khi để xảy ra những hiện tượng ép giá, vi phạm chèn ép cạnh tranh gây thiệt hại cho xã hội... hoặc để xảy ra phổ biến tại một địa phương hay một nhóm ngành hàng thì có phải chịu trách nhiệm hay không?

Về vấn đề doanh nghiệp dùng “quyền lực mềm” là thế mạnh tranh thị trường, đơn cử những siêu thị có thế mạnh, doanh thu lớn không có nhiều, nhưng sản xuất hàng hóa lại rất lớn. Cho nên “chen chân” vào được thường rất khó khăn do bị thao túng và chèn ép.

Luật ra là phải có nghị định ngay.

Luật ra là phải có nghị định ngay.

Tại một hội nghị về thương mại tôi tham dự và được nghe chia sẻ của một hộ gia đình sản xuất nước trà hoa cúc thì được biết, mặc dù rất mong muốn đưa hàng vào siêu thị, nhưng câu chuyện “mãn tính” khi vào đây là chiết khấu cao, thanh toán chậm vẫn tái diễn. Nên “dù có muốn cũng không dám vào”.

Như vậy, thực trạng này đã kìm hãm sản xuất sạch, làm cho hàng hóa Việt bị lép vế trên “sân nhà”. Vấn đề rất lớn nhưng trong dự thảo luật chưa đưa vào. Thực tế, đây là nhóm lợi ích, nhóm có thế mạnh đang thao túng.

Các cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta mới chỉ làm tốt khâu khen thưởng, còn việc chia sẻ hay làm “trọng tài” lại chưa lưu tâm.

Vì chúng ta chưa có luật hóa phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị hàng hóa. Vậy, nên chăng cần phải đưa luật hóa về phân phối giá trị vào trong vấn đề này? Lợi nhuận ở đâu, từng khâu cần được cân nhắc sao cho hài hòa.

Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nói đến, đó là lợi nhuận hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đơn cử, có những siêu thị “đòi” chiết khấu đến 45% thì làm sao có thể gọi là hài hòa lợi nhuận.

Ngoài ra, trong hợp đồng giao kèo mua bán hiện nay có tình trạng “thảo đơn phương”. Nếu bên gửi sản phẩm sửa lại nhưng bên cho gửi không đồng ý là “lập tức” bị bỏ hàng ra ngoài. Do đó, cũng cần quy định nghiêm cấm soạn thảo văn bản mang tính áp đặt, không có sự thỏa thuận thực sự giữa hai bên.

Một vấn đề khác, mặc dù không liên quan đến luật cạnh tranh nhưng cũng dán tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đó là, từ việc thao túng, ép giá lại mang tiền này đi khuyến mại, quảng cáo để “hạ đối thủ” cạnh tranh.

Từ những phân tích trên, tôi kiến nghị dự thảo luật cần đi vào từng “ngóc ngách” của thực tế và phải có tính khả thi cao. Đồng thời, luật ra là phải có nghị định ngay.

Nếu ban hành nghị định chậm thì luật sẽ không thể đi vào được cuộc sống vì không chi tiết hóa. Khi đó, luật sẽ nhanh chóng bị lạc hậu và phải thay đổi. Luật không đi vào cuộc sống thì giá trị sẽ không cao.

Trong 2 ngày 18 và 19/1, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật cần đi vào “ngóc ngách” của thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO