M&A bất động sản hấp dẫn doanh nghiệp nội - ngoại

VI ANH 09/07/2024 03:00

Bất chấp khó khăn chung của thị trường, các doanh nghiệp địa ốc trong nước vẫn cho thấy nhiều tham vọng trong cuộc đua gom dự án, “săn” quỹ đất.

>>Bất động sản công nghiệp nâng tầm nhờ bán dẫn

Các doanh nghiệp địa ốc trong nước đang có nhiều tham vọng trong cuộc đua gom dự án, “săn” quỹ đất.

Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 chứng kiến sự sôi động của khối ngoại.

Doanh nghiệp ngoại tăng tốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,89 tỷ USD, gấp 4,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Trong khi chờ các luật có hiệu lực, dòng đầu tư của khối ngoại vẫn tập trung vào tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.

Cushman & Wakefield cho biết, phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn nhờ tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Thị trường có thêm nhiều “tay chơi” mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, Sumitomo, Hong Kong Land bên cạnh những cái tên truyền thống như Keppel Land, Capitaland...

>>3 kịch bản thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024

Đặc biệt, nhờ vị thế của Việt Nam gia tăng trong thu hút vốn FDI toàn cầu, lĩnh vực bất động sản công nghiệp đang được hưởng lợi. Một trong những thương vụ đình đám là Mapletree Logistics Trust (MLT) - quỹ đầu tư đến từ Singapore, chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) mua lại 2 nhà kho hạng A tại Việt Nam, lần lượt ở Bình Dương và Hưng Yên.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trương An Dương – Giám đốc khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, qua đó giúp thị trường bất động sản khu công nghiệp sôi động hơn.

“Ngoài lợi thế về môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng (China + 1) khiến Việt Nam trở thành điểm đến công nghiệp thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài để xây nhà xưởng. Cùng với đó, lực lượng tay nghề cao cũng là một thế mạnh khiến các nhà đầu tư chú ý. Với lợi thế nhân công rẻ và dồi dào, ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô quốc tế bày tỏ mong muốn đặt nhà máy tại Việt Nam. Tôi cho đây là tiềm năng để ngành bất động sản khu công nghiệp toả sáng. Đặc biệt là khi ba bộ Luật chính thức có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến pháp lý, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững”, ông Dương chia sẻ.

Để khắc phục khó khăn dòng vốn, M&A bất động sản được cho là giải pháp hiệu quả để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Ảnh:VA

Những hoạt động tích cực về M&A đang thể hiện niềm tin dần phục hồi của các doanh nghiệp nội - ngoại. Ảnh:VA

Đáng chú ý, CapitaLand Investment mới đây cũng dự kiến đầu tư thêm khoảng 70 - 110 triệu USD vào Việt Nam trong 2 năm tới nhằm xây dựng hoặc mua lại các khu công nghiệp. Nhờ đó, thị trường bán lẻ và bất động sản thương mại cũng trở nên nhộn nhịp hơn. 

Doanh nghiệp nội không ngồi yên

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội cũng không ngồi yên trước đà phục hồi của thị trường. Để khắc phục khó khăn dòng vốn, M&A bất động sản được cho là giải pháp hiệu quả để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Một trong số đó là đẩy mạnh hoạt động gom quỹ đất sạch - yếu tố then chốt trong thực hiện dự án. Có thể thấy, không ít các “ông lớn” đầu ngành địa ốc đang nhập cuộc đường đua rót tiền gom đất.

Theo chia sẻ của Đất Xanh Group, hiện doanh nghiệp này đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha khắp cả nước, pháp lý tốt để triển khai các dự án giai đoạn 2024 – 2025. Với mục tiêu trước mắt là quỹ đất hoàn thiện pháp lý tại khu vực tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Cùng với đó, Nam Long Group cũng có kế hoạch dành ngân sách để mở rộng thêm quỹ đất sạch, phát triển quỹ đất đô thị mới trong dài hạn, dù đang có quỹ đất hơn 680 ha để phát triển dự án đến năm 2030.

Những hoạt động tích cực về M&A đang thể hiện niềm tin dần phục hồi của doanh nghiệp nội và ngoại, dự báo cho một chu kỳ mới của thị trường bất động sản sau khi có các bộ luật mới đi vào hiệu lực.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Đại Nghĩa – Chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết, động lực của thị trường M&A sẽ tập trung ở các dự án có lợi thế về mặt pháp lý. Trong năm 2024, thị trường M&A sẽ có sự chọn lọc và có nhiều tín hiệu khởi sắc trong quý 3 và 4/2024.

Đáng chú ý, một số điểm mới có liên quan tới lĩnh vực M&A trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 cũng được cho đang tạo tác động tích cực. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 có quy định về bán quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm. Theo các chuyên gia, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất là một khái niệm mới được đưa vào quy định, nhằm giải quyết “rào cản” từ quy định hiện hành. Với quy định mới này, các thương vụ M&A trong tương lai hứa hẹn sẽ giúp bên mua tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể cho giao dịch, qua đó thúc đẩy thị trường sôi động hơn.

"Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản. Điển hình như việc không yêu cầu dự án bất động sản phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản 2023” – ông Nghĩa nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản công nghiệp nâng tầm nhờ bán dẫn

    Bất động sản công nghiệp nâng tầm nhờ bán dẫn

    03:00, 04/07/2024

  • Bất động sản công nghiệp khởi sắc nhờ FDI

    Bất động sản công nghiệp khởi sắc nhờ FDI

    11:00, 30/06/2024

  • Bất động sản công nghiệp duy trì

    Bất động sản công nghiệp duy trì "ngôi vương"

    05:00, 22/06/2024

  • Gilimex đầu tư vốn khủng cho dự án bất động sản công nghiệp

    Gilimex đầu tư vốn khủng cho dự án bất động sản công nghiệp

    15:01, 14/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
M&A bất động sản hấp dẫn doanh nghiệp nội - ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO