“Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Hậu quả khôn lường

GIA NGUYỄN 16/12/2020 04:50

Nhiều chuyên gia cho rằng, sử dụng thực phẩm chức năng không phải không tốt, thế nhưng, trước tình trạng quảng cáo thổi phồng chức năng, sai công dụng,… lại đem đến những hậu quả khôn lường…

Theo Chủ tich Hiệp hội thực phẩm chức năng (TPCN) - Trần Đáng, xu hướng tiêu dùng TPCN hiện nay ngày một tăng lên, bởi TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học…

Thực tế, những năm gần đây, thị trường TPCN tại Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, kéo theo là hàng loạt các chiêu trò kinh doanh cũng bắt đầu nở rộ, trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc điều trị,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Trước sự bùng nổ của thị trường TPCN, dư luận vô cùng quan ngại khi những quảng cáo sai công dụng của loại sản phẩm này vẫn chưa

Trước sự bùng nổ của thị trường TPCN, dư luận vô cùng quan ngại khi những quảng cáo sai công dụng của loại sản phẩm này vẫn còn nhan nhản trên không gian mạng, đánh lừa người tiêu dùng - Ảnh minh họa

Trên thị trường TPCN hiện nay, 70% các sản phẩm được lưu hành là do các cơ sở sản xuất trong nước sản xuất, hơn 20% là thực phẩm chức năng nhập khẩu, nếu không có sự quản lý tốt trong việc quảng cáo loại sản phẩm này, hệ lụy sẽ vô cùng lớn, bởi, bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, tình trạng những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẵn sàng làm ăn chụp giật, quảng cáo thổi phồng công dụng,… không còn hiếm trong thời gian qua.

Mặc dù, các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều biện pháp hành chính, xử phạt những đơn vị vi phạm về quảng cáo, tuy nhiên, tất cả dường như chỉ như “muối bỏ bể”, đặc biệt, khi số tiền xử phạt được các cơ quan đưa ra quá nhỏ so với lợi nhuận thu được, nên nhiều Công ty sẵn sàng nộp phạt để… tiếp tục vi phạm.

Trước hiện trạng này, nhiều chuyên gia quan ngại, nếu tiếp tục để các “ma trận” quảng cáo sai sự thật của sản phẩm TPCN tồn tại, trên đà nở rộ như hiện nay sẽ không chỉ ảnh hướng đến lợi ích của doanh nghiệp chân chính mà còn khiến sức khỏe của người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường.

Sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan quản lý, lực lượng chức năng vẫn chưa đủ sức răn đe đối với hiện trạng quảng cáo thổi phồng công dụng của TPCN - Ảnh: HNM

Sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan quản lý, lực lượng chức năng vẫn chưa đủ sức răn đe đối với hiện trạng quảng cáo thổi phồng công dụng của TPCN - Ảnh: HNM

Thông tin với báo chí, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khẳng định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh, chỉ có tác dụng hỗ trợ và phải sử dụng theo hướng dẫn ghi trên bao bì, nếu bị lạm dụng, có thể gây ra tác dụng ngược.

Theo Bác sĩ Hạnh, việc bổ sung những chất bổ cần thiết cũng có thể cần đối với một số trường hợp chứ không phải tất cả trường hợp, khi ăn uống kém, hấp thu kém, thì có thể cần phải bổ sung, tuy nhiên, mỗi thể trạng có sự khác nhau, không thể ai cũng giống nhau cả. Tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ kiểm tra xem là mình có dùng được hay không.

Dưới sự biến tướng của các hình thức quảng cáo hiện đại, công dụng của thực phẩm chức năng hiện đang bị cường điệu hóa và sắp vượt ra khỏi ranh giới vốn có, thực tế, nếu lạm dụng TPCN khi đã bị hiểu sai về công dụng theo như quảng cáo, không những không mang lại hiệu quả, mà đôi khi còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Theo bác sĩ Lại Thanh Hà - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn phân tích, việc lạm dụng các sản phẩm TPCN có chứa vitamin C trong thời gian dài có thể gây ra bệnh sỏi thận, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.

Hay đối với thói quen lạm dụng TPCN có thành phần chính là vitamin D, theo các chuyên gia xương khớp cảnh báo, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không lường như: tăng hàm lượng canxi trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận, đọng canxi ở thận, chán ăn, tiêu chảy, tình trạng bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong… Đặc biệt, đối với trẻ em, việc lạm dụng như đã nêu có thể gây hiện tượng chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm; còn với phụ nữ có thai, dùng quá nhiều vitamin D sẽ dẫn đến vôi hóa nhau thai.

Vậy, làm sao để kiềm tỏa những “ma trận” quảng cáo thổi phồng công dụng? Giải pháp nào điều trị dứt điểm chứng nan y “nổ tràn lan” như quảng cáo TPCN hiện nay?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin tại Tọa đàm “Vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển”!

Có thể bạn quan tâm

  • “Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Nỗi lo thời công nghệ

    “Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Nỗi lo thời công nghệ

    11:00, 15/12/2020

  • Loạn vi phạm thực phẩm chức năng: Đừng bắt sâu từ ngọn?

    Loạn vi phạm thực phẩm chức năng: Đừng bắt sâu từ ngọn?

    04:50, 09/09/2020

  • Tràn lan quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: Quy định có, quản vẫn... khó?

    Tràn lan quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật: Quy định có, quản vẫn... khó?

    11:01, 19/08/2020

  • Truy tố “tập đoàn” sản xuất tân dược, thực phẩm chức năng giả

    Truy tố “tập đoàn” sản xuất tân dược, thực phẩm chức năng giả

    12:15, 10/08/2020

  • Quản lý thực phẩm chức năng: Chế tài chưa đủ mạnh?

    Quản lý thực phẩm chức năng: Chế tài chưa đủ mạnh?

    05:50, 29/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Hậu quả khôn lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO