Một luật sửa nhiều luật: Dù cấp bách nhưng chính sách đặt ra phải “chín”

GIA NGUYỄN 05/12/2021 04:10

Nếu như trước đây việc một luật sửa nhiều luật thường áp dụng đối với các luật trong cùng nhóm ngành, lĩnh vực có mối tương quan, nhưng dự án luật lần này có phạm vi sửa đổi rộng, lĩnh vực khác nhau.

>>Một luật sửa 10 luật – Phá bỏ "rào cản" về điều kiện kinh doanh

Theo đó, vừa qua, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Dự án một luật sửa 8 luật).

Dự án một luật sửa 8 luật được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua

Dự án một luật sửa 8 luật được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua

So với đề xuất Dự án luật ban đầu, đã có 2 luật được đưa ra khỏi phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật này là Luật Hải quan, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trình bày tờ trình Dự án luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Phan Chí Hiếu nêu rõ, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng chống, dịch bệnh COVID-19; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

>>> Một luật sửa 10 luật: Tháo gỡ ách tắc, tạo động lực mới cho phát triển

Cụ thể, về Luật Đầu tư công, Dự án luật đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Bên cạnh đó, để đảm bảo các dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật cũng bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong phạm vi tổng số kế hoạch vốn trung hạn được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…

Dù đã bỏ 2 luật so với Dự án luật được đề xuất trước đó nhưng Dự án một luật sửa 8 luật vẫn nhận được nhiều kỳ vọng - Ảnh minh họa

Dù đã bỏ 2 luật so với Dự án luật được đề xuất trước đó nhưng Dự án một luật sửa 8 luật vẫn nhận được nhiều kỳ vọng - Ảnh minh họa

Hay như, về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Dự án luật cũng sửa đổi theo hướng, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Ngoài ra, trong Dự án luật cũng đề xuất một số chính sách mới liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

>> Dự án một luật sửa 10 luật "gỡ" khó cho môi trường kinh doanh

Phát biểu tại cuộc họp, đa số ý kiến đại biểu tham dự đều đồng tình với sự cần thiết ban hành Dự án luật này.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là hoạt động lập pháp rất có ý nghĩa, Dự thảo luật có tinh thần rất tích cực, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Xoay quanh Dự án luật, bên cạnh những mặt tích cực, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án một luật sửa 8 luật nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo, vì vẫn còn có những vấn đề đại biểu băn khoăn, quan ngại.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, quan điểm xây dựng luật này là tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội. Những quy định cần sửa đổi, bổ sung phải được xác định rõ ràng về nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể.

“Cho dù là cấp bách nhưng chính sách đặt ra phải “chín”, phải rõ mới thuyết phục được đại biểu Quốc hội”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Một luật sửa 10 luật – Phá bỏ

    Một luật sửa 10 luật – Phá bỏ "rào cản" về điều kiện kinh doanh

    15:30, 03/12/2021

  • Một luật sửa 10 luật: Tháo gỡ ách tắc, tạo động lực mới cho phát triển

    Một luật sửa 10 luật: Tháo gỡ ách tắc, tạo động lực mới cho phát triển

    06:34, 02/12/2021

  • Dự án một luật sửa 10 luật

    Dự án một luật sửa 10 luật "gỡ" khó cho môi trường kinh doanh

    04:10, 30/11/2021

  • Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số

    Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để xây dựng nền kinh tế số

    04:10, 28/11/2021

  • Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường

    Sửa đổi Luật Giá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường

    04:10, 27/11/2021

  • Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội bền vững

    Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội bền vững

    04:10, 26/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một luật sửa nhiều luật: Dù cấp bách nhưng chính sách đặt ra phải “chín”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO