Với “muôn hình vạn trạng” những sai sót được chỉ ra cho thấy, công tác quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.
Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của các đơn vị kiểm toán, hàng loạt vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là với các cơ sở nhà, đất đã được KTNN chỉ ra.
Nổi cộm là tình trạng không công khai tài sản theo quy định, thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định, hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao, chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định…
Đơn cử, năm 2023, qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công, KTNN chỉ rõ tại một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp cho thuê tài sản, liên doanh liên kết nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Điển hình, Bộ Công Thương có tới 10 đơn vị vi phạm, Bộ Khoa học và Công nghệ có 2 cơ sở nhà, đất thực hiện hợp tác, liên doanh liên kết hoặc cho thuê chưa lập đề án hoặc đã lập đề án nhưng chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã ký kết hợp đồng tiếp tục triển khai trên cơ sở biên bản thỏa thuận từ trước…
Vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan, địa phương chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Tại thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính còn 426 cơ sở nhà, đất chưa lập phương án sắp xếp, trong đó có 164 cơ sở nhà, đất chưa kiểm tra lập biên bản kiểm tra hiện trạng nhà, đất.
Bộ Giao thông vận tải có 16 cơ sở chưa lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, hoặc chưa được phê duyệt phương án sắp xếp như Bộ Giáo dục và Đào tạo còn 62 cơ sở, Bộ Giao thông vận tải còn 188 cơ sở, Bộ Khoa học và Công nghệ còn 25 cơ sở.
Chưa thực hiện việc chuyển từ giao đất sang thuê đất để kê khai và nộp tiền thuê đất, chưa kê khai để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, quản lý, sử dụng một số cơ sở nhà đất chưa phù hợp…
Đặc biệt, có nhiều công trình trụ sở, nhà đất công hiện không được sử dụng, gây lãng phí tài sản công. Theo báo cáo của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2019-2021, có 359 trụ sở cấp huyện phải sắp xếp.
Số được sử dụng tại các đơn vị mới thành lập là 250 và dôi dư 109 trụ sở. Tính đến tháng 5/2024, các địa phương đã chuyển đổi công năng 55/109, thanh lý 2 trụ sở đã được bán đấu giá, còn 52 trụ sở (gần 48%).Ở cấp xã, 370/755 trụ sở đã được chuyển đổi công năng, 88/755 trụ sở được thanh lý, bán đấu giá và chưa xử lý 297 trụ sở (gần 40%)…
Bình luận về vấn đề nay, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng đây là vấn đề “không thể xem nhẹ”.
Dù các vi phạm ở nhiều dạng thức khác nhau, song điều đó cho thấy trách nhiệm trước tiên thuộc về các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công.
“Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, những tồn tại này chính là nguy cơ dẫn đến lãng phí, thất thoát…”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
PGS,TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản ở khu vực công là vấn đề rất nhức nhối. Tài sản công rất lớn trong khi cơ chế quản lý còn tồn tại nhiều bất cập, điều này khiến cho tài sản công trở thành "miếng mồi ngon" cho một số cá nhân có ý đồ "tư túi, xâu xé".
Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, các doanh nghiệp mỗi khi chi ra một khoản tiền nào đó đều có sự tính toán rất kỹ lưỡng, đồng thời họ phải thấy được tính hiệu quả từ việc chi đó.
“Không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể chấp nhận việc lãng phí hay thất thoát tài sản, bởi họ hiểu điều đó sẽ khiến công ty kinh doanh không hiệu quả, thậm chí đi đến bờ vực phá sản”, PGS,TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Có một vấn đề cố hữu đang tồn tại như một thứ ung nhọt trong khu vực công, đó là tư tưởng "cha chung không ai khóc", cùng với cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, thiếu minh bạch, đã khiến một số cá nhân lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.
Ngoài ra, tài sản công rất lớn, trong khi trách nhiệm quản lý của người đứng đầu bị buông lỏng, thậm chí còn xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ để bòn rút.
Doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền túi ra để kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, nhưng tài sản của Nhà nước, nếu thất thoát, lãng phí thì Nhà nước chịu. Thực tế, để chứng minh sự lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước tại một cơ quan, tổ chức nào đó không khó.
“Nhưng, xác định sự thất thoát, lãng phí ấy là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào thì khó. Và, nếu không làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh thì sẽ không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng này", PGS,TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Chỉ ra nguyên nhân của những bất cập trên, theo đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) đó là do quy trình thanh lý và bán đấu giá tài sản công còn phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Do đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thanh lý và bán đấu giá tài sản.
“Các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xử lý tài sản dôi dư, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương”, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc nói.